1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hai bộ “giành” cấp mã số công dân

Bộ Công an và Bộ Tư pháp cùng lúc xây dựng 2 đề án liên quan đến quản lý dân cư nhưng lại trùng nhau về quan điểm xây dựng mã số công dân. Việc trùng nhau này có thể dẫn đến lãng phí, tốn kém ngân sách.

Ngày 25/3, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7 - Bộ Công an), cho biết Bộ Công an vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư” do Bộ Tư pháp xây dựng có nhiều điểm trùng với Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia mà Bộ Công an đang triển khai. “Chúng tôi cho rằng việc trùng lấn đó có thể sẽ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước” - ông Vệ nói.

Hai bộ “giành” cấp mã số công dân
Bộ Công an và Bộ Tư pháp vẫn chưa thống nhất được quan điểm xây dựng, quản lý mã số công dân. Trong ảnh: Làm CMND mới ở Hà Nội. Ảnh: HOÀNG ĐỒNG

Đề án 3.000 tỉ đồng của Bộ Công an

Theo ông Vệ, việc cấp CMND mới có 12 số nằm trong đề án mà Bộ Công an thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện Bộ Tài chính đang ký kết với phía đối tác để Bộ Công an thực hiện đề án cơ sở dữ liệu dân cư ở Hải Phòng. Đề án này trị giá 10 triệu euro, vay của Hungary, dự kiến triển khai trong tháng 4 tới. Theo đó, mỗi trẻ sơ sinh ở Hải Phòng sẽ được cấp một số định danh cá nhân ghi vào giấy khai sinh, hộ khẩu và theo công dân này đến suốt cuộc đời, trở thành số CMND khi đủ 14 tuổi, mã số thuế, số tài khoản cá nhân.

Ông Vệ cho biết thêm Bộ Công an cũng đã thành lập Cục Cảnh sát Đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), trực thuộc Tổng cục 7, để thực hiện việc cấp số định danh cá nhân. Sau này, Bộ Công an và Bộ Tư pháp chỉ xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn tư pháp, công an xã/phường cấp cho mỗi trẻ sơ sinh một số là xong.

Sang giai đoạn 2 của đề án, Bộ Công an thực hiện kết nối, chia sẻ thông dữ liệu dân cư với các ngành khác để đơn giản hóa các thủ tục cho người dân khi thực hiện các giao dịch dân sự. Ông Vệ nói toàn bộ kinh phí để thực hiện đề án vào khoảng 3.000 tỉ đồng, chia thành nhiều giai đoạn.

Theo một lãnh đạo C72, 12 số trên CMND mới sẽ được ghi vào cơ sở dữ liệu tra cứu cho các cơ quan, tiến tới bỏ một số giấy tờ như sổ hộ khẩu. Khi điều kiện kinh tế, công nghệ thông tin cho phép sẽ triển khai làm thẻ điện tử tích hợp thông tin, chức năng như nhiều nước tiên tiến đang làm.

Bộ Tư pháp: Làm từ gốc

Trong khi đó, dự thảo đề án đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) xây dựng cũng đưa ra số định danh cá nhân (mã số công dân) gồm 12 chữ số, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ suốt đời. Theo đó, số định danh được cấp cho công dân khi đăng ký khai sinh (do ngành tư pháp làm - PV), tính từ thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực trong năm 2015.

Theo một thành viên ban soạn thảo dự thảo đề án của Bộ Tư pháp, Bộ Công an chỉ mới nói cấp số định danh cá nhân nhưng lại không nói cấp cho ai, cấp bao giờ, cấp như thế nào… “Số định danh là số của Chính phủ nhưng Bộ Công an lại đang muốn làm theo hướng của riêng mình. Chúng tôi xây dựng đề án này theo chỉ đạo của Chính phủ để điều chỉnh việc Bộ Công an đang làm, cấp cho mỗi trẻ khi sinh ra một số định danh cá nhân, đến khi trẻ đủ 14 tuổi thì sẽ là số CMND”- vị thành viên này phân tích.

Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính khẳng định đề án do Bộ Tư pháp xây dựng không sử dụng kho số riêng như nhiều người lo ngại mà sử dụng số do ngành công an quản lý. Số khai sinh là số đầu tiên khẳng định tính pháp lý của con người, cấp cho mỗi người khi vừa sinh ra. Theo quy định về hộ tịch, công dân sau khi sinh ra trong thời gian vài ngày dù chết vẫn phải đăng ký khai sinh để tính tuổi thọ dân số. Bộ Công an chỉ làm cái ngọn mà không làm cái gốc. Đề án của Bộ Tư pháp chỉ phát triển những cái đã có để bảo đảm việc quản lý được liên tục.

Trước những ý kiến trái chiều, theo kế hoạch, hôm nay (26/3), Bộ Tư pháp sẽ họp với các bộ, ngành để lấy ý kiến về đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư.
 
Chưa khoa học
 
TS Nguyễn Ngọc Kỷ, nguyên cán bộ Cục Tin học nghiệp vụ (Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an), cho biết cả đề án của Bộ Công an và Bộ Tư pháp đang “có vấn đề” về tính khoa học. Nguyên tắc của số định danh cá nhân là tính duy nhất. Việc có dấu vân tay trên CMND là một tiến bộ khoa học, giúp khẳng định tính duy nhất của mỗi người. Lẽ ra trước khi xây dựng đề án hiện đại hóa cơ sở dữ liệu về dân cư thì Bộ Công an và Bộ Tư pháp phải làm bằng được việc trang bị hệ thống máy tính, cập nhật cơ sở dữ liệu hiện có - CMND 9 số hiện tại của mỗi công dân - lên mạng; đồng thời bỏ quy định khi chuyển hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác được cấp lại CMND, không cho phép sử dụng số CMND thay số hộ chiếu và ngược lại.
 
“Lẽ ra phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư cũ rồi mới bắt tay vào cấp phát CMND mới, cấp mã số công dân mới có phần đọc máy (chip/mã vạch) thì họ lại làm ngược lại, mới hoàn toàn gây tốn kém lớn mà chưa chắc khắc phục được những hệ quả pháp lý cũng như thiệt hại, rắc rối mà người dân sẽ gặp phải trong thời gian dài vì sự thay đổi từ CMND 9 số lên 12 số” - ông Kỷ nhận định.
 
Theo Thế Kha
Người lao động