1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Ráo riết truy tìm nguyên nhân cá chết trên sông Mã

Bình Minh

(Dân trí) - Liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Mã, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân cá chết không phải do dịch bệnh.

Ngày 12/4, thông tin từ UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết, cơ quan chức năng đã thông báo kết quả xét nghiệm mẫu cá chết trên sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước cho thấy, không ghi nhận dấu hiệu bệnh nào trên số cá chết.

Ráo riết truy tìm nguyên nhân cá chết trên sông Mã - 1

Bước đầu cơ quan chức năng xác định cá chết hàng loạt trên sông Mã đoạn qua địa bàn huyện Bá Thước không phải do dịch bệnh.

Theo đó, tại báo cáo kết quả xét nghiệm mẫu cá chết trên sông Mã của Chi cục Chăn nuôi và thú y thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho thấy: khi mổ cá không thấy bị xuất huyết bên ngoài; mang và nội tạng cá bình thường; không có hiện tượng xuất huyết, tụ huyết bất thường; không ghi nhận dấu hiệu bệnh nào trên số cá chết.

Kết quả kiểm tra 2 mẫu cá chết trên sông Mã của Viện Nuôi trồng thủy sản I thuộc Bộ NN&PTNT cho thấy: không phát hiện vi khuẩn gây bệnh trên mẫu cá.

Kết quả kiểm tra 3 mẫu nước lấy từ sông Mã đoạn có cá nuôi lồng bị chết của Viện Nuôi trồng thủy sản I cho thấy: mật độ vi khuẩn trong 3 mẫu nước này nằm trong giới hạn cho phép, mật độ vi khuẩn trong nước không gây chết cá.

Ráo riết truy tìm nguyên nhân cá chết trên sông Mã - 2

Đoàn liên ngành kiểm tra hướng chôn đường ống dẫn nước thải tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn ở xã Thiết Ống (huyện Bá Thước)

Như vậy, bước đầu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá nuôi lồng, cá tự nhiên trên sông Mã bị chết hàng loạt gần một tháng qua không phải do dịch bệnh.

Liên quan đến tình trạng trên, ngày 29/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có Công văn số 3893/UBND-NN chỉ đạo UBND huyện Bá Thước và các ngành chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên sông Mã đoạn qua địa phận huyện Bá Thước.

Ngày 9/4, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đã ban hành quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng TN&MT, Công an huyện, Phòng NN&PTNT cùng chính quyền địa phương kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất chế biến nông lâm sản trên địa bàn.

Ráo riết truy tìm nguyên nhân cá chết trên sông Mã - 3

Ngày 12/4, đoàn tiếp tục kiểm tra các doanh nghiệp nằm ven sông Mã thuộc địa bàn huyện Bá Thước.

Trong các ngày 10/4;11/4 và hôm nay (12/4) đoàn công tác liên ngành đã kiểm tra toàn bộ 5 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản nằm ven sông Mã (gồm 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn và 4 cơ sở chế biến luồng).

Cụ thể, đoàn công tác kiểm tra quy trình xử lý nước thải, hệ thống xả nước thải của các cơ sở chế biến lâm sản để xác minh, phát hiện có cơ sở nào xả trộm nước thải khi sản xuất xuống sông Mã gây ra tình trạng cá chết hàng loạt hay không.

Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Võ Minh Khoa cũng đề nghị Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Công an tỉnh Thanh Hóa khẩn trương tham mưu UBND tỉnh đánh giá, kết luận các nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết bất thường trên sông Mã trong thời gian qua. Đồng thời, có các ý kiến chỉ đạo về bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân nuôi thủy sản lồng bè bị thiệt hại trên địa bàn huyện.

Ráo riết truy tìm nguyên nhân cá chết trên sông Mã - 4

Cán bộ lấy mẫu nước để tìm nguyên nhân cá chết.

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, từ ngày 15/3 - 8/4, trên địa bàn huyện Bá Thước đã có gần 12,4 tấn cá lồng chết và gần 400 kg các loài thủy sản tự nhiên chết vớt được.

Cá lồng chết xuất hiện 4 đợt, cụ thể: đợt 1 từ ngày 15 - 20/3; đợt 2 vào ngày 26/3; đợt 3 vào ngày 30/3; đợt 4 từ ngày 4 - 9/4 và cá vẫn đang tiếp tục chết. 

Theo người dân ở đây, bình thường nước sông Mã đoạn chảy qua huyện Bá Thước mùa này trong xanh, nhưng từ giữa tháng 3 đến nay, nước đổi màu đen, mùi hôi tanh bất thường. Họ nghi ngờ nguyên nhân khiến cá chết chính là do nước sông bị ô nhiễm.

Được biết, dọc hai bờ sông Mã phía thượng nguồn thuộc các huyện Quan Hóa, Bá Thước có nhiều cơ sở chế biến lâm sản, ngâm ủ, chế biến tre luồng, bột giấy. Trước đó, vào năm 2020, cũng đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Mã, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện nhiều cơ sở chế biến lâm sản xả thải bẩn ra lòng sông.