1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ra quân tổng lực, kiên quyết “khai tử” xe ba gác

(Dân trí) - Ông Đào Công Hải, Trưởng phòng CSGT Hà Nội khẳng định: “Bắt đầu từ 6 giờ 30 ngày 1/1/2008, CSGT cùng với các lực lượng khác sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra và xử lý các xe 3 bánh, xe tự chế trên tất cả các tuyến đường”.

Kiên quyết
 
Thống kê của Công an Hà Nội, trên toàn địa bàn có 313 xe ba bánh tự chế với 242 chủ xe. Theo ông Hải, như vậy có những người là chủ của hơn 2 xe. Phân loại về các xe này cho thấy, người Hà Nội có 242 xe, xe còn lại thuộc các tỉnh ngoài nhưng chỉ có 90 người phục vụ mục đích đi lại còn lại là kinh doanh. Trên tổng số xe trên chỉ 116 thương binh, 49 người tàn tật, có 9 người giả thương binh.

Điểm khác biệt của lần ra quân này sẽ không do CSGT xử lý mà sau khi lực lượng này kiểm tra và phát hiện xe vi phạm sẽ giao cho công an các quận xử lý.

Theo Thượng tá Đào Công Hải, từ ngày 25-31/12/2007, lực lượng CSGT tổ chức một đội xe sử dụng loa để tuyên tuyền tại các điểm tập kết phương tiện, buôn bán vật liệu xây dựng để đề nghị chủ xe và người điều khiển phương tiện, chủ hàng tự giác không sử dụng xe công nông, xe lambrô, xe tự chế... Sau thời hạn trên, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý những chủ phương tiện cố tình vi phạm. "Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu phương tiện và xử phạt với mức cao nhất mà không có ngoại lệ”.

Về lực lượng, ngoài những chốt kiểm tra cố định, CSGT sẽ thành lập thêm 7 tổ tuần tra lưu động bao gồm các lực lượng liên ngành như: CSGT, Thanh tra giao thông, cảnh sát 113 và công an các quận huyện, mỗi tổ có từ 10-15 người để đi tuần tra.

Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành đình chỉ cơ sở sản xuất xe 3- 4 bánh trái phép. Đối với các trường hợp vẫn cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Kể cả trường hợp xe của thương binh, khi bị xử lý nếu cố tình chống đối, người điều khiển xe cũng có thể bị tịch thu thẻ thương binh.

Dự trù cả tình huống xấu nhất!
 
Ông Hải nhận định, vì lý do nhạy cảm nên khi phát hiện, xử lý không tránh khỏi các tình huống xấu có thể xảy ra nên công an các quận sẽ trực tiếp xử lý với một lực lượng dày đặc bao gồm cả PA25 và PA38 tham gia.

Ngoài ra cơ quan chức năng cũng huy động 12 xe nâng đi cùng tổ tuần tra khi phát hiện sẽ đưa về trụ sở công an quận để xử lý. Trước đó, công an các quận đã yêu cầu các cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng cam kết không thuê các loại xe tự chế chuyên chở hàng hoá.

Theo theo nghị quyết 32 và nghị định 146, các xe tự chế khi bị phát hiện không biển số, không đăng ký người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền 1,6 triệu đồng đồng thời tịch thu xe, ngoài ra cơ sở sản xuất cũng bị phạt nặng.

Theo ông Hải, nhiều chủ xe khi bị phát hiện đã tự nguyên xin xử lý xe bằng cách cắt phần thùng thép phía sau: "Chúng tôi khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng các động cơ xe sang làm máy nông nghiệp, xay sát, máy cày... còn nếu đi lại trên đường giao thông thì chắc chắn sẽ bị lực lượng chức năng cương quyết bị xử lý".

Trước câu hỏi, Nghị quyết 32 của Chính phủ có nêu việc các địa phương có thể tuỳ theo tình hình cụ thể để có làn đường dành riêng, thời gian cho cho phương tiện này hoạt động, ông Hải khẳng định: “Theo kế hoạch từ ngày 1/1/2008 Hà Nội chắc chắn không dành đường riêng cho các phương tiện này hoạt động, bởi vì Hà Nội cũng không khuyến khích các loại phương tiện cơ giới tự chế. Thành phố hiện có khoảng 2.000 ôtô tải loại nửa tấn đang hoạt động vận chuyển hàng hóa rất hiệu quả”.

Về câu hỏi thành phố có chủ trương gia hạn thời gian xử lý đối với những xe đang phục vụ người tàn tật mà chưa được đăng ký, ông Hải khẳng định: “Chúng tôi thực hiện theo quy định của Nhà nước và không gia hạn cho phương tiện này. Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung xử lý xe tự chế chở người và hàng hoá. Đối với những xe cho người tàn tật, thương binh khi có tiêu chuẩn quy định xe như thế nào đảm bảo chất lượng, thì sẽ được đăng ký nếu đó là phương tiện đi lại bình thường”.

Phúc Hưng