1. Dòng sự kiện:
  2. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia được cấp vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng

Thế Kha

(Dân trí) - Ngân sách nhà nước cấp vốn cho Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia tối thiểu 1.000 tỷ đồng và được bổ sung hàng năm để bảo đảm duy trì mức 1.000 tỷ đồng tại thời điểm đầu các năm tài chính.

Hồ sơ dự thảo Nghị định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia vừa được Bộ Tư pháp công bố cho thấy đây là quỹ do Chính phủ thành lập.

Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và giao Bộ Công an quản lý; hoạt động theo mô hình tương tự công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, theo các quy định riêng về tổ chức và cơ chế hoạt động.

Dự thảo nêu, ngân sách nhà nước cấp vốn cho quỹ tối thiểu là 1.000 tỷ đồng và được bổ sung hàng năm để bảo đảm duy trì mức 1.000 tỷ đồng tại thời điểm đầu các năm tài chính.

Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia được cấp vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng - 1

Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và sẽ giao Bộ Công an quản lý (Ảnh minh họa: AGI).

Nguồn ngân sách dùng để cấp cho quỹ được bố trí từ nguồn chi cho đầu tư phát triển; nguồn thu của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập kinh doanh sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu sau khi nộp vào ngân sách nhà nước; từ nguồn thu phí khai thác, sử dụng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Nguồn để cấp cho quỹ đồng thời từ các nguồn ngoài ngân sách như thu từ kết quả hoạt động của quỹ (các khoản lãi cho vay, chi phí bảo lãnh vốn vay, lãi tiền gửi); các tài trợ, viện trợ, đóng góp, tặng cho không phải hoàn trả của các tổ chức, cá nhân...

Về mục tiêu hoạt động, Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia sẽ hỗ trợ các hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, học máy, điện toán đám mây, chuỗi khối, internet vạn vật và các công nghệ khác trong xử lý dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội.

Quỹ sẽ hỗ trợ phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ, các hiệp hội về dữ liệu trong và ngoài nước; đầu tư cho doanh nghiệp, cá nhân hoạt động nghiên cứu các giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu, chuyển giao công nghệ về dữ liệu, đổi mới sáng tạo về dữ liệu.

Quỹ cũng sẽ hỗ trợ khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý dữ liệu; hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội. Hỗ trợ tổ chức cung cấp dịch vụ công ích để khắc phục hậu quả, xử lý sự cố về an ninh, an toàn dữ liệu…

Mỗi tổ chức, cá nhân có thể được quỹ cho vay, hỗ trợ, đầu tư với nhiều hình thức khác nhau.

Theo dự thảo, người quản lý quỹ được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp cho vay, hỗ trợ, đầu tư các tổ chức, cá nhân thử nghiệm công nghệ dữ liệu, mô hình kinh doanh mới phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.

Giám đốc Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là người đại diện theo pháp luật của quỹ, do Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Bộ Công an cho biết, thời gian qua các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ra đời và phát triển đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đến cuối tháng 9/2023, cả nước có 22 quỹ tài chính nhà nước do các bộ, cơ quan trung ương thành lập hoặc được giao quản lý.

Trong số này, 20 quỹ đã đi vào hoạt động, gồm: Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ tích lũy trả nợ, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ phòng chống tội phạm Trung ương, Quỹ hỗ trợ nông dân trung ương, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

"Hiện nay, ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu nói riêng còn rất hạn chế, chưa có nguồn lực hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ trong xử lý dữ liệu. Trong khi đó, dữ liệu là nguồn tài nguyên cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số", Bộ Công an phân tích.

Từ đó, Bộ Công an khẳng định việc ban hành quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia cho phù hợp với quy định của Luật Dữ liệu (có hiệu lực từ ngày 1/7) và đáp ứng yêu cầu thực tiễn là cần thiết.