1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Quy hoạch Bà Rịa - Vũng Tàu: Khát vọng vươn lên thành trung tâm dịch vụ, logistic quốc tế

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Quy hoạch tốt sẽ có không gian phát triển tốt, có không gian phát triển tốt sẽ có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt sẽ có dự án tốt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tận dụng tối đa lợi thế để thực hiện bản quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có vai trò, ý nghĩa quan trọng, thể hiện tầm nhìn và khát vọng vươn lên của tỉnh trong hành trình phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, trung tâm kinh tế biển, một trong những động lực phát triển quan trọng vùng kinh tế Đông Nam Bộ, phấn đấu lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Bản quy hoạch thể hiện khát vọng

Nằm cách trung tâm kinh tế TPHCM gần 100km, cùng vị trí cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, điều kiện tự nhiên thuận lợi, lực lượng lao động có chất lượng, Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của một bản Quy hoạch chất lượng, chất chứa tinh hoa, khát vọng của chuyên gia, nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp.

Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô kinh tế (GRDP), đóng góp ngân sách Trung ương, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong top 5 tỉnh, thành dẫn đầu.

Với tiềm năng, lợi thế, cơ hội cạnh tranh, bản quy hoạch chất lượng, có tầm nhìn, chỉ hai năm nữa, vùng Đông Nam Bộ và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hội tụ các điều kiện để biến tiềm năng thành cơ hội mới, trong lĩnh vực công nghiệp, cảng biển - logistics, du lịch - đô thị, dịch vụ chất lượng cao.

Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ dựa trên lợi thế tự nhiên mà còn tạo ra sự khác biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, dành nguồn lực đáng kể để đầu tư phát triển con người, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.

Quy hoạch Bà Rịa - Vũng Tàu: Khát vọng vươn lên thành trung tâm dịch vụ, logistic quốc tế - 1

Bãi sau TP Vũng Tàu nhìn từ trên cao (Ảnh: P. T).

Tại hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh từng khẳng định, quan điểm, tầm nhìn của Trung ương tại Nghị quyết số 24-NQ/TW chính là cơ sở chính trị quan trọng, nền tảng định hình cho quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạo nên những tư duy mới, đột phá mới. Quy hoạch tốt sẽ có không gian phát triển tốt, có không gian phát triển tốt sẽ có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt sẽ có dự án tốt.

Bà Rịa - Vũng Tàu tận dụng cơ hội này để kiến tạo mô hình phân bổ không gian phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, làm mới động lực tăng trưởng cũ, kiến tạo động lực phát triển mới, kết hợp thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đó là đột phá về hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, đột phá về chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính và đột phá về nâng cao năng lực quản trị công.

Quy hoạch Bà Rịa - Vũng Tàu: Khát vọng vươn lên thành trung tâm dịch vụ, logistic quốc tế - 2

Cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Ảnh: P. T).

Tư duy mới, đột phá mới

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định khát vọng lớn nhất của Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện trong bản Quy hoạch là đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với GRDP bình quân đầu người từ 18.000 đến 18.500 USD.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu này của Bà Rịa - Vũng Tàu có thể đạt được. Nhìn con số tăng trưởng GRDP của tỉnh 10 năm qua cho thấy rõ điều đó. Năm 2014-2015, tốc độ tăng trưởng GRDP tương đối ổn định, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 5-6% mỗi năm. Giai đoạn này, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng và dầu khí, đồng thời đẩy mạnh dịch vụ du lịch và cảng biển.

Năm 2021-2023, GRDP tăng trưởng trung bình 6-9% hàng năm. 8 tháng đầu năm 2024, GRDP tăng 9,18%, nhờ sự đóng góp lớn từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các dự án cơ sở hạ tầng lớn như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Sự tăng trưởng này cũng phản ánh sự phục hồi và phát triển toàn diện của tỉnh sau những thách thức kinh tế trước đó.

Quy hoạch Bà Rịa - Vũng Tàu: Khát vọng vươn lên thành trung tâm dịch vụ, logistic quốc tế - 3

Nhà máy Hóa dầu Long Sơn của Tập đoàn SCG (Thái Lan) (Ảnh: P. T).

10 năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu chứng kiến sự biến động về GRDP, nhưng xu hướng tổng thể là tích cực, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm gần đây nhờ cải cách kinh tế và đầu tư hạ tầng quan trọng, bất chấp thách thức kinh tế trong và ngoài nước.

Phát triển 4 vùng chức năng, 3 trục kinh tế 

Bản Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 còn thể hiện rõ khát vọng vươn lên của tỉnh thông qua các mục tiêu chiến lược và định hướng phát triển toàn diện. Đến năm 2030, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; phát triển tỉnh thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Bộ, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của Vùng Đông Nam Bộ. 

Để đáp ứng yêu cầu phát triển với tầm nhìn dài hạn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức không gian phát triển theo 4 vùng chức năng, tập trung vào 3 trục kinh tế động lực, cùng với định hướng phát triển tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào 4 nhóm ngành kinh tế trụ cột gồm: công nghiệp, cảng biển - logistics - du lịch - các ngành dịch vụ chất lượng cao.

Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, giảm phụ thuộc vào dầu khí. Tỉnh phát triển các ngành kinh tế trụ cột khác như công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, cảng biển và du lịch. Quy hoạch này nhằm tạo nền kinh tế đa dạng và bền vững hơn, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trên quy mô quốc gia và quốc tế.

Quy hoạch Bà Rịa - Vũng Tàu: Khát vọng vươn lên thành trung tâm dịch vụ, logistic quốc tế - 4

Trung tâm du lịch cao cấp ven biển Hồ Tràm ở huyện Xuyên Mộc (Ảnh: P. T).

Về phát triển hạ tầng đồng bộ, quy hoạch tỉnh nhấn mạnh việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành. Mục tiêu là kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và quốc tế, từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.

Tỉnh xác định đẩy mạnh đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh, bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các khu đô thị lớn như Vũng Tàu, Bà Rịa và Long Hải quy hoạch để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và dịch vụ, góp phần thu hút dân cư, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thông qua bản quy hoạch này, Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện rõ khát vọng vươn lên mạnh mẽ, xây dựng một tỉnh giàu mạnh, bền vững, có vị thế trong khu vực và trên toàn cầu.

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 16/12/2023 nhằm cụ thể hóa khát vọng xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành cực tăng trưởng quan trọng trong khu vực Đông Nam Bộ và cả nước. Đây là dấu mốc có ý nghĩa với Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh bởi Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở pháp lý, động lực thúc đẩy tỉnh khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá mà các Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam bộ; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.