Quy định Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội gây băn khoăn
(Dân trí) - Bên cạnh ý kiến tán thành, có ý kiến đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội bởi đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ "chín".
Sáng 29/8, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4 cho ý kiến vào những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của Luật Nhà ở sửa đổi.
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật cho biết vẫn còn 2 loại ý kiến liên quan quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê. Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở xã hội cho công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài, nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.
Ý kiến này cho rằng cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và thực hiện việc cho thuê nhà ở xã hội này.
Ở chiều ngược lại, loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Lý do, đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ "chín" để quy định trong Luật.
Nhóm ý kiến này đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập doanh nghiệp trực thuộc có chức năng kinh doanh bất động sản để thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân.
Quy định theo hướng này sẽ không phải bổ sung nội dung trong Luật Nhà ở, không gây xung đột với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…
Do đây là nội dung quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến để có cơ sở tiếp thu, chỉnh lý.
Về đất để xây dựng nhà ở xã hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng báo cáo 2 phương án.
Phương án 1 quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và bổ sung trách nhiệm theo hướng linh hoạt về phương thức thực hiện.
Theo đó, chủ đầu tư có thể dành quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất ở vị trí khác hay đóng góp bằng tiền mức tương đương giá trị quỹ đất, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong từng giai đoạn.
Phương án hai giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó trách nhiệm bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thuộc về UBND cấp tỉnh.
Với phương án này, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phải có trách nhiệm đóng góp phát triển nhà ở xã hội, bởi vì để được chấp thuận làm chủ đầu tư và triển khai dự án, các chủ thể này đã phải tham gia đấu giá, đấu thầu dự án và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Qua thảo luận tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án 1 như đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật.
Theo lý giải, phương án này vừa bảo đảm trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với việc phát triển nhà ở xã hội, vừa linh hoạt trong thực hiện trách nhiệm để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn.