1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quy định mới về nhiệm vụ của cảnh sát PCCC

Văn Yên

(Dân trí) - Theo dự thảo luật PCCC&CNCH, cảnh sát PCCC sẽ thống kê, tổng hợp dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý, khai thác, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC&CNCH.

Điều 41 dự thảo Luật PCCC&CNCH quy định về nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH. Theo quy định, lực lượng này sẽ tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Công an ban hành, đề xuất cấp có thẩm quyền, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch, quy định của pháp luật về PCCC&CNCH.

Cảnh sát PCCC cũng sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC&CNCH; hướng dẫn xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Quy định mới về nhiệm vụ của cảnh sát PCCC - 1

Dự thảo luật PCCC&CNCH quy định một số nhiệm vụ mới của cảnh sát PCCC (Ảnh: Toàn Vũ).

Dự thảo luật cũng nêu rõ, cảnh sát PCCC sẽ xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phương án cứu nạn, cứu hộ; thực hiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.

Đây cũng là lực lượng sẽ hướng dẫn xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

"Cảnh sát PCCC cũng sẽ thống kê, tổng hợp dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý, khai thác, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.

Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật", dự thảo Luật PCCC&CNCH nêu rõ.

Cũng theo dự thảo luật, cảnh sát PCCC sẽ thực hiện quản lý hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Ngoài ra, cảnh sát PCCC sẽ thực hiện một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Dự thảo luật PCCC&CNCH cũng quy định, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH thuộc công an nhân dân được tổ chức, bố trí và quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Ngoài ra, Nhà nước xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH", dự thảo Luật nêu rõ.

Điều 39 dự thảo luật PCCC&CNCH quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện thể hiện, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện là việc cá nhân tự nguyện đăng ký với công an cấp xã nơi cư trú để thường xuyên tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Các cá nhân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Theo dự thảo luật, trong trường hợp cần thiết, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đề nghị công an cấp xã huy động cá nhân đã tình nguyện đăng ký để tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Tiếp đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích người dân đăng ký tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện.