Những hành vi nào bị cấm trong Luật PCCC&CNCH?
(Dân trí) - Trong dự án Luật PCCC&CNCH, lực lượng chức năng cho biết có 11 hành vi bị cấm, trong đó có hành vi lợi dụng việc tham gia chữa cháy để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), tại Điều 14 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật PCCC&CNCH gồm có 11 hành vi bị cấm như sau:
Thứ nhất, cố ý gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố hoặc kích động, xúi giục, dụ dỗ người khác gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường, an ninh, trật tự.
Thứ hai, xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng thực hiện nhiệm vụ và người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Thứ ba, lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ tư, lợi dụng việc tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ năm, làm giả, làm sai lệch kết quả thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, kết quả kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Thứ sáu, báo cháy giả; báo tình huống cứu nạn, cứu hộ giả.
Thứ bảy, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hàng hóa, chất, vật phẩm nguy hiểm về cháy, nổ.
Thứ tám, chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình, hạng mục công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Thứ chín, kinh doanh phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Thứ 10, chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, biển báo, biển chỉ dẫn đã được trang bị theo quy định; cản trở lối thoát nạn; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, đường thoát nạn, ngăn cháy lan.
Thứ 11, lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới.
Những vấn đề pháp lý về PCCC được hoàn thiện tại dự án Luật PCCC&CNCH
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, dự án Luật PCCC&CNCH sẽ tập trung hoàn thiện những vấn đề pháp lý về PCCC&CNCH đang diễn ra, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra, những vấn đề pháp lý cơ bản mà Luật PCCC&CNCH sẽ tập trung hoàn thiện gồm 5 chính sách xây dựng Luật PCCC&CNCH, trong đó quy định bao quát, thống nhất các hoạt động PCCC, phân công, phân cấp trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động PCCC.
Tiếp đó, quy định cụ thể các hoạt động CNCH có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà chưa được quy định trong văn bản luật; quy định thực hiện xã hội hóa công tác PCCC đối với một số nội dung quản lý nhà nước về PCCC; xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng PCCC&CNCH; bảo đảm điều kiện đối với hoạt động PCCC, CNCH…
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH nêu ra một số vấn đề đáng chú ý như sau: chính sách về công tác CNCH phục vụ nhu cầu bức thiết về bảo đảm an toàn, an sinh của người dân khi không may xảy ra tai nạn, sự cố trong đời sống thường nhật; chính sách xã hội hóa về thiết kế, thẩm định, giám sát về PCCC, kiểm định kỹ thuật về PCCC và CNCH; phân công, phân cấp trách nhiệm thẩm định về PCCC cho các bộ ngành theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Ngoài ra còn có quy định mới các nội dung phân định, và thống nhất giữa quy định của pháp luật về PCCC với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, để giải quyết những chồng chéo, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay; bãi bỏ một số thủ tục hành chính về PCCC…