1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quy định mới về cấp Căn cước công dân vừa được Bộ Công an ban hành

(Dân trí) - Thông tư số 40/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 18/11 tới.

Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký ban hành Thông tư số 40/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

Theo đó, Thông tư số 40/2019 gồm 3 điều quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

Quy định mới về cấp Căn cước công dân vừa được Bộ Công an ban hành - 1

Làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân. Trường hợp công dân kê khai thông tin theo mẫu Tờ khai Căn cước công dân trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì lựa chọn ngày, tháng, năm làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân và gửi Tờ khai đến cơ quan quản lý căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.

Đối với địa phương tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh thì sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ về cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền.

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân (trường hợp công dân kê khai trực tuyến thì thu nhận qua thiết bị đọc mã vạch hoặc thiết bị thu nhận thông tin vào hệ thống) với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân.

Trong trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu. Trường hợp thông tin trên sổ hộ khẩu chưa đầy đủ hoặc không thống nhất với thông tin công dân khai trên Tờ khai Căn cước công dân thì yêu cầu công dân xuất trình Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc các giấy tờ hợp pháp khác về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân.

Thông tư mới của Bộ Công an cũng hướng dẫn: Trường hợp công dân làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân cấp huyện cần điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu mà việc điều chỉnh này thuộc thẩm quyền của Công an cấp huyện và công dân xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về cư trú thì tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu của công dân đồng thời với việc tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân.

Cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu của công dân cho bộ phận đăng ký, quản lý cư trú để thực hiện điều chỉnh cho công dân theo quy định.

Sau khi điều chỉnh xong thì bộ phận đăng ký, quản lý cư trú chuyển lại sổ hộ khẩu đã được điều chỉnh cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân.  Thông tư số 40/2019 của Bộ Công an có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/11/2019.

 Chưa có quy định xử phạt dùng Căn cước công dân không đúng cách

Trả lời thắc mắc của công dân về việc xử phạt khi sử dụng chứng minh nhân dân và Căn cước công dân không đúng cách, Bộ Công an cho biết theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ thì các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng Chứng minh nhân dân (CMND) sau được áp dụng xử phạt vi phạm hành chính gồm: Không xuất trình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền; không thực hiện về cấp mới, cấp lại, cấp đổi CMND; sử dụng CMND của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; tẩy xóa, sửa chữa CMND; làm giả, sử dụng CMND giả,…

Mức phạt đối với các hành vi trên từ phạt cảnh cáo tới phạt tiền đến 6 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa CMND; khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp CMND; làm giả CMND; sử dụng CMND giả.

“Đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến việc quản lý, sử dụng Căn cước công dân chưa được quy định trong Nghị định số 167/2013. Vì vậy không có cơ sở để áp dụng xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc quản lý, sử dụng Căn cước công dân”- Bộ Công an cho hay.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân phát hiện việc công dân sử dụng CMND hoặc hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CMND để được cấp thẻ Căn cước công dân thì có thể áp dụng các quy định của Nghị định số 167/NĐ-CP để xử phạt về các hành vi vi phạm tương ứng trong cấp, quản lý và sử dụng Căn cước công dân.    

Thế Kha