1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Quốc lộ 80 - “con đường đau khổ”

Con đường này dài 50km, xuất phát từ Mỹ Thuận và nối Vĩnh Long với Đồng Tháp - An Giang. Gần hai năm qua, kể từ khi triển khai thi công, quốc lộ 80 trở thành con đường nắng thì bụi khủng khiếp, mưa lại ngập ngụa bùn.

Ai cũng "ngán"

Chúng tôi có mặt trên một chuyến xe tốc hành đi từ Mỹ Thuận, vừa tới cây số đầu tiên của quốc lộ 80 đã thấy bụi bốc mù mịt. Nửa đường bên trái được đổ đất đá nâng nền đường; nửa còn lại chưa kịp làm thấp tè, mặt nhựa cũ tróc lên thành những ổ voi to tướng.

Xe cộ nối đuôi nhau “bò” 30- 40km/h. Nguyễn Văn Tùng, tài xế xe khách, cho biết trước đây đi qua đoạn này chỉ mất khoảng một giờ, nay phải mất hơn hai giờ. Anh Tùng còn nói rằng chỉ mới sáu tháng mà xe đã phải thay cặp vỏ, nếu đường bình thường thì một cặp vỏ chạy được hai năm.

Người dân ở hai bên quốc lộ 80 cũng rất ngán ngẩn trước cảnh bê bối của con đường. Chú Lê Văn Hai ở xã An Nhơn (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) than thở: “ Mùa nắng thì tui đóng cửa suốt ngày để né bụi, mùa mưa thì cũng... không dám mở cửa vì nước mưa tràn vô nhà, sình bùn xe chạy bắn văng tứ tung”.

Ở khu vực huyện Lai Vung (Đồng Tháp), từ khi quốc lộ khởi công, các quán đều buôn bán ế ẩm. Chú Hai Sung, một chủ quán, nhăn nhó: “Bụi bay mù mịt khách nào dám ghé. Trước đây bán mười nay chỉ còn ba, bốn”.

Giải phóng mặt bằng chậm

Từ tháng 9/2002, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt kế hoạch giải phóng mặt bằng (GPMB), dự kiến hoàn thành việc bàn giao mặt bằng vào tháng 4/2003. Thế nhưng mãi đến tháng 3/2004 mới có một nhà thầu được giao mặt bằng.

Các gói thầu khác phải chờ tới tận tháng 10/2004. Theo báo cáo của tổ công tác GPMB (thuộc Sở Tài chính Đồng Tháp), đến tháng 1/2006 còn 241 hộ dân trên toàn tuyến chưa đồng ý nhận tiền bồi thường.

Điều đáng nói là trên địa bàn huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) còn một đơn vị thuộc Chi cục Dự trữ quốc gia đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa giao mặt bằng, huyện đã có nhiều văn bản nhắc nhở nhưng đến nay vẫn... y nguyên.

Trong khi đó, có những đoạn đã GPMB xong nhưng chủ đầu tư (Ban quản lý các dự án giao thông 9, gọi tắt là Ban 9) lại chưa đấu thầu thi công. Điển hình là đoạn 5.679m ở huyện Lấp Vò, đoạn 2.000m ở thị xã Sa Đéc.

Riêng các cầu nằm trên quốc lộ (tổng cộng 27 cầu), ngoài cầu Cái Gia Lớn và Cái Tàu (huyện Châu Thành) đã thi công, những cầu còn lại đều chưa được Ban 9 giao mốc GPMB.

Đến nay, trong tổng số 12 gói thầu (7 gói thầu đường và 5 gói thầu cầu) thì chỉ có 6 gói thầu (5 đường và 1 cầu) được triển khai thi công. Các gói thầu còn lại đang trong tình trạng “đang trình duyệt thiết kế kỹ thuật, chờ bộ phê duyệt, chờ bổ sung hồ sơ...”.

Thi công… “rùa”

Công bằng mà nói, hiện nay đoạn 7km từ thị trấn Lấp Vò đến Vàm Cống đã hoàn chỉnh phần nhựa bêtông do Công ty Vạn Cường thực hiện. Nhưng từ Lấp Vò đổ dài về Sa Đéc, Lai Vung, Mỹ Thuận thì còn rất bề bộn.

Đoạn 5km từ Lấp Vò về xã Vĩnh Thạnh do Công ty 118 thi công mới chỉ xong phần cán đá nâng nền rồi để đó... chờ lún. Đoạn 6km nằm trên địa bàn huyện Lai Vung do Công ty 873 thi công chỉ mới cán đá có... phân nửa mặt đường.

Riêng hai đơn vị là Công ty Vĩnh Nguyên (thi công 7km đoạn thị trấn Cái Tàu đến Nha Mân) và Chi nhánh tổng 4 (làm cầu Cái Gia Lớn và cầu Cái Tàu) đến nay vẫn chưa làm được bao nhiêu. Đó là chưa kể còn hai đoạn đường từ Nha Mân qua Sa Đéc (6km), từ Lai Vung qua xã Vĩnh Thạnh (10km) cùng với 25 cây cầu trên toàn tuyến vẫn chưa được Ban 9 tổ chức đấu thầu.

Với tiến độ “rùa” như vậy, liệu quốc lộ 80 có hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2006 như kế hoạch đã đề ra của Bộ GTVT?

Theo Dương Thế Hùng
Tuổi Trẻ