1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quốc lộ 18: Cọc tiêu lõi tre, nền đường giòn như bánh xốp!

(Dân trí) - Chưa bao giờ quốc lộ 18 lại được báo giới “quan tâm” đến thế. Đơn giản vì đây là công trình trọng điểm được giao cho PMU18, một “siêu ban” đang có nhiều cán bộ cốt cán dính vào tiêu cực, làm chủ đầu tư. Công trình này đã bị PMU18 tráo cát vàng bằng cát đen, thay lõi thép cọc tiêu bằng cọc tre.

Ngay từ khi những tiêu cực ở PMU18 bị phanh phui, dư luận đã đặt ra câu hỏi: Với số tiền cực lớn được các “sếp” của PMU18 bỏ ra để ăn chơi, chạy án, mua sắm đất đai, trang trại và cả những chiếc xe trị giá hàng tỷ đồng chỉ để cho mượn thì liệu những công trình do “siêu ban” này làm chủ đầu tư còn “chất lượng” đến mức nào?

 

Trăm nghe không bằng một thấy, với ý định tìm hiểu về thực tế những con đường do PMU18 làm chủ đầu tư, chúng tôi đã xuống thực địa và “thấy”:

 

Cát vàng “hoá” cát đen

 

Quốc lộ 18 chưa được thông xe toàn tuyến nhưng những con đường nhánh đã đưa vào sử dụng. Tuy chưa hết thời hạn khấu hao nhưng các công trình này đã bộc lộ rõ những yếu kém về chất lượng. Đoạn qua cầu vượt quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn, cả tà-luy âm và tà-luy dương đều có hiện tượng sụt, lún. Thậm chí, có những chốt gia cố trơ cả cốt nền, một điều không bao giờ được phép xảy ra đối với những công trình giao thông lớn, quan trọng.

 

Khi chúng tôi dùng tay thử bẻ một miếng nền đường - một liên kết giữa hợp chất nhựa đường và đá dăm - thì thấy bở như miếng bánh xốp cho trẻ em. Với chất lượng như thế nên ở đoạn đường giao nhau giữa quốc lộ 18 và đường nhánh đi Đông Xuyên có đoạn đã có dấu hiệu của sự rạn nứt nghiêm trọng.

 

Vào làng Đồng - xã Yên Phong - huyện Thuận Thành - tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi được nghe bà con kể về việc những con đường này “thành hình” dưới bàn tay “phù phép” của các đơn vị thi công như thế nào. Chị Lan, một người dân ở đây cho biết, hàng ngày đi làm qua con đường bụi mờ này, theo quan sát của chị chỉ thấy nền của đường là đất, đá chứ không nhiều cát.

 

Theo mô tả của chị, ước lượng cốt đường chỉ dày khoảng 5 đến 10cm. Điều nguy hiểm là nền đường này toàn cát đen, một vật liệu ngậm nước, có độ chịu lún kém hơn cát vàng. Trong khi đó, quy định ghi rõ là nền đường được san bằng cát vàng.

 

Quốc lộ 18: Cọc tiêu lõi tre, nền đường giòn như bánh xốp! - 1
Hàng loạt cọc tiêu trên Quốc lộ 18 nghiêng ngả như răng rụng. (Ảnh: Hưng Sơn)

 

Theo khảo sát thì việc tráo cát này đã mang lợi cho đơn vị thi công 47.000 đồng/m3 (giá cát vàng tại địa phương là 54.000/m3, còn cát đen chỉ có 7.000đồng/m3). Vậy thì 34 km đường chính, 12 km đường nhánh, 22 cầu dài trên 4000m, cùng trên 200 cống thủy lợi và đường hầm dân sinh sẽ đem lại khoản lợi nhuận từ việc thay đổi vật liệu ngoài quy định là bao nhiêu? Câu hỏi này chỉ PMU18, các đơn vị thi công và cả Cục giám định chất lượng các công trình giao thông, nơi nghiệm thu, mới trả lời được.

 

“Sáng kiến” có một không hai trong ngành GTVT

 

Sự việc xảy ra khá nực cười. Cả tuyến quốc lộ 18 có hơn 3000 cọc tiêu, trụ đường. Và 500 trong số đó đã bị trẻ chăn trâu phá để lấy sắt. Nếu theo đúng dự tính của chúng thì mỗi cọc tiêu có 26kg thép tròn. 3000 cọc sẽ là 78.000kg thép. Chỉ cần 500 cọc kia cũng đã là 1300kg thép.

 

Với giá mua sắt vụn của các hàng đồng nát nơi miền thôn quê cũng là 2000đồng/kg. Vậy, nếu trót lọt, các cậu bé ở quê cũng được 2 triệu 6 trăm ngàn đồng, một khoản không nhỏ đối với trẻ con.

 

Thế nhưng, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, chúng đã nhổ cả 500 cọc tiêu, cột đường trên tà-luy âm mà không có lấy nổi một cân sắt vụn nào cả. “Phần của chúng” đã bị các công ty, Ban Quản lý dự án “nẫng tay trên” mất rồi!

 

Nguyễn Công V, 13 tuổi, trú tại Thuận Thành - Bắc Ninh, một trong những học sinh tham gia vào “thương vụ” nhổ cọc tiêu, cột đường kể: “Ngày nào “hội em” cũng đi học và về nhà qua con đường mới làm xong. Nghe người lớn trong xóm bảo cột đường có sắt bên trong nên “hội em” nhổ trộm cọc tiêu, đập vỡ bê tông ra lấy sắt vụn nhưng bên trong chỉ thấy toàn tre. Chả lấy được cái gì cả”.

 

Quốc lộ 18: Cọc tiêu lõi tre, nền đường giòn như bánh xốp! - 2

 Biết lõi cọc tiêu chỉ là tre, trẻ con không thèm nhổ nữa.
(Ảnh: Hưng Sơn)

 

Sau vụ án nhổ trộm cọc tiêu ven đường được công an huyện Tiên Du và Thuận Thành khám phá, số lượng cột không thấy mất đi cái nào nữa. Các điều tra viên của công an huyện đã đưa ra một nhận xét đầy tính hài hước: “Đây có lẽ là một “sáng kiến” chưa từng có trong ngành giao thông vận tải của cả thế giới khi thay lõi thép bằng cọc tre để “tránh mất trộm” và “giảm” chi phí.

 

Đau xót nhất có lẽ là phụ huynh các cháu. Con em họ đã huỷ hoại nhân cách đang thành hình bằng việc ăn trộm lõi tre, cái mà ở làng có… vô khối. Còn theo quan sát của chúng tôi thì nhiều cột không bị đào trộm cũng đang ở trong tình trạng “say rượu”, cái ngả, cái nghiêng. Một phần vì lõi tre trong cốt bê tông đã mục ruỗng gây rạn nứt cột và gãy; một phần có lẽ là do nền đường quá yếu, đến mức không chịu nổi cả những chiếc cột con con.

 

Với chức năng giảm gia tốc của những phương tiện tham gia giao thông không làm chủ được tay lái, không hiểu, nếu vô tình một xe nào đó va vào những chiếc cột này, có lẽ, chúng còn bay nhanh hơn phương tiện giao thông kia!

 

Hằng ngày, rất nhiều người qua lại trên những con đường nhưng ít ai để ý chất lượng nền, cọc tiêu, cột… như thế nào, nghiêng ngả ra sao. Chỉ đến khi xảy ra tai nạn hoặc các vụ tham nhũng, bê bối được “khui” ra thì các nhà quản lý mới “giật mình”. Và khi đó, những con đường mới được “sờ” đến nhưng rồi… đâu lại vào đấy. Vậy, trong các cuộc họp về an toàn giao thông, nâng cao chất lượng quốc lộ… đã ai đề xuất đến tận hiện trường xem lại các công trình làm mới chưa? Câu hỏi này sẽ là của chung chứ không riêng một cơ quan, ban ngành nào.

 

Ninh Trang