1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quốc lộ 14 nứt toác: Đất ngậm nước như viên sủi, gây sạt trượt

Đặng Dương

(Dân trí) - Các chuyên gia đánh giá, sạt trượt nghiêm trọng trên quốc lộ 14, đoạn qua Đắk Nông là do hiện tượng tụ thủy phía dưới lòng đất và bất cập trong việc thoát nước mặt.

Ngày 7/8, Đoàn công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Đắk Nông về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Quốc lộ 14 nứt toác: Đất ngậm nước như viên sủi, gây sạt trượt - 1

Hiện trạng vết sạt trượt trên quốc lộ 14 (Ảnh: Đặng Dương).

Trước đó, đoàn công tác và các chuyên gia đã có khảo sát thực tế khu vực sạt trượt tại Km số1900+350 quốc lộ 14, thuộc phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa.

Theo ghi nhận, làn đường gom có vệt nứt, lún dài khoảng 40m; đoạn nứt sâu nhất khoảng 4,5m. Các vệt nứt khác có chiều dài khoảng 100m; rộng 30-40cm và sâu 1,1m.

Về nguyên nhân của hiện tượng sạt trượt này, các thành viên đoàn công tác đều có chung nhận định do mưa lớn kéo dài.

Quốc lộ 14 nứt toác: Đất ngậm nước như viên sủi, gây sạt trượt - 2

Các chuyên gia cho rằng có hiện tượng tụ thủy tại khu vực xuất hiện vết nứt (Ảnh: Đặng Dương).

PGS.TS Lê Văn Hùng (thành viên đoàn công tác) nhận định: "Tại sao sạt trượt xảy ra đồng loạt vào đầu mùa mưa? Vì trước đó, đất đã rất khô. Sau khi gặp mưa, đất ngậm nước như viên sủi, trương nở gây ra sạt trượt, từ đó dẫn đến nhiều rãnh nứt ở Đắk Nông".

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng để xảy ra tình trạng sạt trượt ở quốc lộ 14, một phần là do sự tồn tại của một dãy rào tôn dẫn đến tụ thủy, làm cho nước thấm xuyên qua mái trượt.

"Toàn bộ quốc lộ 14 làm việc như một đập ngăn nước và chịu dòng thấm xuyên sang mái trượt. Để bảo vệ con đường hiện hữu thì phải xử lý ngay vấn đề tụ thủy, đặc biệt là hàng rào tôn nằm trên tuyến đường này", PGS.TS Lê Văn Hùng cho hay.

Đề xuất hướng giải quyết, PGS.TS Nguyễn Châu Lân cho rằng vị trí sạt lở liên quan đến việc thoát nước. Sau mỗi trận mưa, sẽ xuất hiện các dòng nước và thấm trực tiếp vào phần nền đường. Chính vì thể, để không xảy ra tình trạng sạt trượt, cần quan tâm đến hệ thống thoát nước.

"Hiện tại công trình đã bị sạt. Để khắc phục, phải bóc bỏ phần sạt lở đó và làm lại đường mới. Khi thi công đặc biệt quan tâm đến vấn đề thoát nước như làm các rọ đá hoặc rãnh xương cá ngang bề mặt", PGS.TS Nguyễn Châu Lân nêu giải pháp.

Quốc lộ 14 nứt toác: Đất ngậm nước như viên sủi, gây sạt trượt - 3

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Đặng Dương).

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết năm nay thời tiết có những bất thường, trong tháng 7 lượng mưa của tỉnh Đắk Nông đã lớn gấp 2 lần so với trung bình nhiều năm.

Theo dự báo, trong 15 ngày tới, lượng mưa ở Đắk Nông sẽ giảm. Tuy nhiên đến cuối tháng 8, sẽ có một đợt mưa tiếp theo. Các điểm sạt lở sẽ càng phức tạp qua từng năm.

"Chúng tôi cho rằng ở đây có một tụ thủy lớn, tạo ra mạch nước ngầm bên dưới. Mưa lớn và việc rào tôn (mới rào gần đây) gây cản trở dòng chảy, nên trước hết tỉnh phải có giải pháp xử lý việc thoát nước trước khi có phương án sửa chữa tuyến đường trên", ông Hiệp nhấn mạnh.

Quốc lộ 14 nứt toác: Đất ngậm nước như viên sủi, gây sạt trượt - 4

Các chuyên gia cho rằng cần xử lý hàng rào tôn gần khu vực sạt lở (Ảnh: Đặng Dương).

Trước đó, báo Dân trí đã thông tin, sáng 2/8, trên tuyến quốc lộ 14 đã xảy ra sạt lở mái taluy âm với chiều dài khoảng 300m.

Theo cơ quan chức năng, vết nứt này có nguy cơ gây sạt lở cả một góc quả đồi. Tỉnh Đắk Nông khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm cho người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm.

Quốc lộ 14 nứt toác: Đất ngậm nước như viên sủi, gây sạt trượt - 5

Thiết kế: Tuấn Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm