Quốc hội tính toán việc cải cách tiền lương, tăng lương công chức
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét việc cải cách tiền lương, điều chỉnh lương cơ sở và bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách về vấn đề này.
Ngày 29/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Cử tri Đỗ Tiến Lợi - nguyên Phó Bí thư thường trực huyện ủy Thủy Nguyên đề nghị Quốc hội nghiên cứu cơ chế định giá thuốc, đảm bảo cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh; hoàn thiện cơ chế đấu thầu thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch để người được giao nhiệm vụ đấu thầu "không dám làm sai" và cũng yên tâm "không làm sai".
Nêu thực tế ngành y tế đang bị chảy máu chất xám, ông Lợi đề nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách cho đội ngũ y bác sỹ, cán bộ ngành y tế.
Cử tri huyện Thủy Nguyên cũng nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)…
Đấu thầu thuốc không thể "năm sau thấp hơn năm trước"
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tình hình kinh tế - xã hội đất nước năm nay rất khả quan. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý III/2022 đạt mức 13,67%, tính chung 9 tháng, tổng tăng trưởng GDP bình quân khoảng 8,83%. Nếu quý IV/2022, cả nước tập trung nỗ lực thì hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.
Về các vấn đề cử tri đặt ra, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cơ chế định giá thuốc và đấu thầu thuốc phải bảo đảm 3 yêu cầu rất quan trọng: nguồn cung; chất lượng, chống hàng giả và giá cả phải hợp lý. Quy định của Luật Dược và trong điều hành cụ thể của Chính phủ cũng đều cố gắng bảo đảm 3 nguyên tắc này.
Tuy nhiên, theo ông, thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có cả vấn đề thiếu nguồn cung đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Vì thế, Quốc hội đã giao Chính phủ tìm cách tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt, "xắn tay áo" cùng các cấp, các ngành để xử lý vấn đề này. Báo cáo gần đây của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam đang từng bước tháo gỡ được khó khăn này. Tình trạng thiếu thuốc đã giảm và ngành y đã triển khai cơ chế đấu thầu thuốc tại Bộ Y tế"- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ, Bộ Y tế rà soát lại các quy định của ngành y tế.
"Chúng ta mong muốn có thuốc rẻ cho nhân dân nhưng cũng phải tuân theo quy luật thị trường. Đấu thầu thuốc chữa bệnh thì không thể "năm sau thấp hơn năm trước" mà phải bảo đảm chất lượng, giá cả, nguồn cung. Phải mạnh dạn sửa đổi, công khai minh bạch trong vấn đề quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc"- ông Huệ nói.
Tại kỳ họp thứ 4 tới, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trong đó, Chính phủ đang đề xuất đưa thuốc vào danh mục mặt hàng Nhà nước định giá (trước đây, thuốc chỉ là mặt hàng phải thực hiện kê khai giá) và đề xuất nhiều quy định nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm công khai, minh bạch để cán bộ vận hành theo đúng quy định, không sợ sai.
Quốc hội cũng đang yêu cầu Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội về một số biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 để đề xuất có tiếp tục gia hạn một số chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến thuốc hay không.
Vì sao lộ trình cải cách tiền lương bị chậm?
Đối với vấn đề tăng tiền lương, chế độ phụ cấp cho y bác sỹ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc dịch chuyển lao động từ bộ phận công sang tư, tư sang công, lao động gia nhập hay rời bỏ thị trường là chuyện bình thường của thị trường lao động. Tuy nhiên hiện tượng cán bộ, công chức bỏ việc tăng bất thường thì phải nghiên cứu, xem xét nguyên nhân, nhất là về thu nhập.
"Quốc hội và Chính phủ đều đang tập trung đánh giá vấn đề này"- ông Huệ nói.
Riêng với y tế cơ sở, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị xem xét việc tăng phụ cấp từ 40-70% nhưng Bộ Chính trị đã quyết định tăng 100%. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành nghị định để thực hiện.
Sang năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng để đánh giá kỹ lưỡng tình hình này. Khi ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội, Quốc hội cũng đã dành 14.000 tỷ đồng cho việc tăng cường năng lực y tế cơ sở.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về chính sách tiền lương đối với khu vực công, ông Vương Đình Huệ chia sẻ, 3 năm qua, do các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh Covid- 19, lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại.
Tuy nhiên, theo ông, điều chỉnh lương với cán bộ, công chức, viên chức hiện đã là vấn đề cấp thiết. Do đó, tại kỳ họp sắp tới (sẽ bắt đầu vào nửa cuối tháng 10), Quốc hội sẽ bàn vấn đề này.
Trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương, Chủ tịch Quốc hội nhận định, cũng cần điều chỉnh, tăng lương cơ sở. Mức độ, liều lượng, thời gian điều chỉnh cụ thể thế nào Quốc hội sẽ bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách về vấn đề này.