Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, bàn cách chống lãng phí

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Phát triển hạ tầng, cải cách tiền lương, phát triển nhà ở xã hội và giá nhà chung cư tăng… là những vấn đề nóng từng được đại biểu Quốc hội đề cập khi thảo luận về kinh tế - xã hội tại phiên họp tổ.

Ngày 29/5, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận trên hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Nội dung này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tại phiên khai mạc hôm 20/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khái quát đánh giá bổ sung năm 2023 nhận định tình hình tích cực và khả quan trên các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng cho biết một số chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (10/2023) như tốc độ tăng GDP đạt 5,05%; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD - thuộc nhóm các nước trung bình cao.

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, bàn cách chống lãng phí - 1

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024 (Ảnh: Phạm Thắng).

Đáng chú ý, theo Phó Thủ tướng, tính đến hết năm 2023, chúng ta đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Theo đánh giá của Chính phủ, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được phát triển mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia.

Trong đó đã khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (30km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79km), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000km.

Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội nêu rõ có nhiều ý kiến đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng, các cơ quan ở Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đánh giá cao vai trò của Chính phủ, Thủ tướng trong việc chủ động, linh hoạt, điều hành và xử lý kịp thời những vấn đề để duy trì sự ổn định phát triển của đất nước trong bối cảnh rất khó khăn vừa qua.

Liên quan vấn đề cải cách tiền lương, ý kiến đại biểu Quốc hội phản ánh dù có chủ trương cải cách tiền lương, nhiều cơ quan đang gặp phải tình trạng lương giảm, không đáp ứng được yêu cầu tái tạo sức lao động.

Đại biểu cũng chỉ ra vướng mắc về nguyên tắc, như tinh thần Nghị quyết Trung ương là lương cải cách phải tăng, không được giảm. Nhưng trong thực tế có 34 đơn vị, ngành nghề có phụ cấp đặc thù (ngân hàng, kho bạc, hải quan... ), nếu tính toán theo phương án bỏ các phụ cấp đặc thù, tính theo vị trí việc làm, lương sẽ bị giảm xuống.

Vì vậy, các cơ quan đang nghiên cứu tính theo hướng không gọi là mức lương cơ sở mà quy định mức tham chiếu. Theo đó, tinh thần từ ngày 1/7 sẽ tăng lương trên cơ sở mức hiện nay khoảng 25-30%, sau đó sẽ làm tiếp các việc khác để hợp lý, đồng bộ.

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, bàn cách chống lãng phí - 2

Các đại biểu Quốc hội dự họp trong phòng họp Diên Hồng (Ảnh: Phạm Thắng).

Từ thực tế, có ý kiến đề nghị cần phải có nhiều giải pháp để kích cầu lượng khách du lịch trong nước, như: giảm giá vé máy bay nội địa, giảm giá xăng, dầu vào những ngày lễ, Tết và mùa cao điểm; tăng thêm nhiều sản phẩm du lịch để kích cầu du lịch và tiêu dùng trong nước.

Liên quan việc phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Quốc hội nhận định nhà ở xã hội vừa thừa vừa thiếu. Trong khi đó, chi phí để ở chung cư nhà ở xã hội quá cao so với thu nhập của người công nhân.

Đại biểu cũng phản ánh thực tế thừa hàng chục nghìn nhà tái định cư ở Hà Nội và TPHCM trong khi người dân thiếu chỗ ở, làm lãng phí nguồn lực tài chính công. Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời tìm giải pháp để những căn nhà bỏ hoang sớm được đưa vào sử dụng, tránh lãng phí.

Với việc giá nhà chung cư tăng cao đột biến ở Hà Nội vừa qua, đại biểu Quốc hội nhận định một phần nguyên nhân từ việc "làm giá, thổi giá" của một nhóm môi giới, đầu cơ. Do đó, có đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng cùng với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện dấu hiện bất thường, vi phạm để xử lý, ổn định thị trường.