1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quốc hội đánh giá về tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm

(Dân trí) - Kỳ họp thứ 10 khai mạc sáng nay, 20/10 sẽ chốt lại năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2011-2015, cũng là những ngày áp chót của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Báo cáo phòng chống tham nhũng sau cùng của nhiệm kỳ này được đưa ra Quốc hội xem xét với nhận định “đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm”.

 


Quang cảnh buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay. (Ảnh: Việt Hưng)

Quang cảnh buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay. (Ảnh: Việt Hưng)

 

Sáng nay, Quốc khội chính thức khai mạc kỳ họp thứ 10 theo thông lệ của kỳ họp cuối năm với nội dung đầu tiên là nghe báo cáo về tình hình kinh tế xã hội do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày. Khác với các báo cáo thường niên là đưa ra đánh giá về khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm, xác định kế hoạch phấn đấu cho năm tới, báo cáo năm nay còn một phần là tổng kết kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Dự thảo báo cáo của Chính phủ được trình UB Thường vụ ít ngày trước rất khả quan với nhận định, cho đến hết năm 2015, khả năng sẽ giữ được mức tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu được giao (6,5% so với chỉ tiêu 6,2%). Chính phủ cũng mạnh dạn đề xuất tăng chỉ tiêu tăng trưởng cho năm sau, lên mức 6,7% (cao hơn 0,5%) so với chỉ tiêu đề ra cho năm nay.

Kỳ họp áp chót được đánh giá là rất nhiều ý nghĩa với nhiều nội dung chốt lại một nhiệm kỳ hoạt động.
Kỳ họp áp chót được đánh giá là rất nhiều ý nghĩa với nhiều nội dung chốt lại một nhiệm kỳ hoạt động.

“Hãm” bớt khí thế thể hiện trong báo cáo của Chính phủ, UB Kinh tế của Quốc hội vẫn ưu tư về khá nhiều vấn đề đặt ra. Không nghi ngờ dự báo về kết quả tăng trưởng vượt chỉ tiêu sẽ đạt được của năm nay nhưng cơ quan thẩm tra lại đặt trong một so sánh khác, đặt trong bức tranh chung của kết quả 5 năm 2011 – 2015 thì mức tăng trưởng bình quân 5,88%/năm vẫn thấp hơn giai đoạn trước và thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng 6,5-7% đã đề ra cho giai đoạn này.

Phục hồi tăng trưởng cũng được cảnh báo là thiếu yếu tố bền vững, lo ngại về việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra trong điều kiện giá thế giới ở mức quá thấp (sản lượng khai thác dầu đã tăng 1 triệu tấn so với kế hoạch).

Những biểu hiện như ngành nông nghiệp giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá; nhập siêu trở lại sau 3 năm xuất siêu; tỷ lệ lạm phát thấp nhất nhiều năm qua, thấp xa so với kế hoạch đề ra cho thấy việc kiểm soát chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, làm tăng số lượng DN giải thể, phá sản trong những năm qua… được nhắc tới.

Quốc hội đánh giá về tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm - 3
Quốc hội đánh giá về tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm - 4
Quốc hội đánh giá về tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm - 5

Đầu giờ sáng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dẫn đầu đoàn đại biểu vào viếng Bác trước khi trở về phòng Diên Hồng khai mạc kỳ họp (ảnh: Việt Hưng).

Đầu giờ sáng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dẫn đầu đoàn đại biểu vào viếng Bác trước khi trở về phòng Diên Hồng khai mạc kỳ họp (ảnh: Việt Hưng).

Bài toán cho chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% đặt ra với năm 2016, theo đó, cũng được cảnh báo là dự kiến khó khăn hơn năm 2015 với tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, nhất là các nước đối tác kinh tế lớn với Việt Nam.

Một nội dung quan trọng, luôn nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận mỗi phiên khai mạc kỳ họp cuối năm của Quốc hội là báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của năm. Nội dung này được đẩy xuống buổi làm việc chiều thay vì trình Quốc hội ngay trong phiên khai mạc sáng như thường lệ.

Báo cáo năm nay của Thanh tra Chính phủ khác hẳn với một nhận định mạnh mẽ “đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực”. Dù vậy, người thay mặt Chính phủ ký báo cáo không nêu thông tin cụ thể là tham nhũng có tính chất lợi ích nhóm thể hiện ở lĩnh vực nào, hay biểu hiện ra sao.

Nhận định này chưa từng được thể hiện trước đó mà báo cáo phòng chống tham nhũng mỗi năm thường vẫn chỉ khái quát, tham nhũng diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi…

Cũng đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng ở một khoảng dài hơn hơn, ứng với kế hoạch 5 năm qua, Chính phủ cho rằng trên các mặt công tác đều có sự chuyển biến rõ nét với những kết quả nổi bật.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng, theo đó, được Chính phủ nhận định là công việc rất quan trọng, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp mà Đảng và Nhà nước đã thấy sớm và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác này hơn 10 năm qua, nên kết quả mới được như hiện nay.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được khẳng định đã đẩy mạnh theo hướng thực hiện, rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn, ngày càng phát huy hiệu quả phòng ngừa tham nhũng.

Một khâu yếu của nhiệm vụ chống tham nhũng là khả năng tự phát hiện tham nhũng của bộ máy, theo đánh giá của Chính phủ là tại thời điểm này, thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khả năng tự phát hiện đã tăng nhiều so với trước.

Một tuần sau ngày khai mạc, Quốc hội sẽ dành thời gian trọn một ngày để các đại biểu Quốc hội thảo luận về báo cáo này, đánh giá về nhận định “có dấu hiệu tham nhũng có tính lợi ích nhóm”, cùng ngày với việc xem xét về báo cáo phòng chống tội phạm, báo cáo về công tác tư pháp.

Lợi ích nhóm cũng là một nghi vấn được đặt ra ngay trước thềm kỳ họp. Tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp do Văn phòng Quốc hội tổ chức sáng qua, 19/10, Chủ nhiệm Văn phòng đã nhận “truy vấn” làm sao để chống những tác động tới quyết định của Quốc hội trước những biểu hiện lợi ích nhóm đã thể hiện ở những kỳ họp gần đây? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng nói thẳng về tình trạng đại biểu đọc bài phát biểu của người khác viết cho trên hội trường (có thể là bài viết các bộ, ngành chuẩn bị, thường là cùng ngợi ca hết lời về hoạt động điều hành, kết quả công tác của bộ, ngành đó) nên có những phiên thảo luận nhiều đại biểu nói nguyên những nội dung giống nhau, thậm chí giống cả ở lỗi sai.

Kỳ họp áp chót của nhiệm kỳ cũng được dự báo nhiều khả năng có những vấn đề “bùng nổ” khi Đại hội Đảng ở nhiều địa phương đã hoàn thành, các nhân sự ở vị trí lãnh đạo mới và cũ đã định hình. Một kỳ họp cần rất nhiều sự nhìn nhận, đánh giá bình tĩnh, công tâm, bộc lộ trực diện nhiều vấn đề đã bắt đầu.

Chủ tịch Quốc hội: Cơ hội để nhìn lại cả nhiệm kỳ 5 năm

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rõ, kỳ họp thứ 10 được khai mạc trong không khí toàn đảng, toàn quân, toàn dân đang tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước và chuẩn bị cho ngày bầu cử Quốc hội khoá mới vào đầu năm tới.

Năm 2015 sắp trôi qua với đánh giá chung là tình hình kinh tế tài chính tiền tệ thế giới và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, tình hình biển Đông ngày càng diễn biến nguy hiểm khó lường, tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước.

Quốc hội đánh giá về tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm - 7

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 10. (Ảnh: Việt Hưng)

Do sự phấn đấu to lớn của toàn Đảng, toàn dân, kinh tế đất nước có bước tiến cơ bản, có sự phục hồi, môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được tăng cao…

Dù vậy, rất nhiều hạn chế cố hữu cũng được Chủ tịch Quốc hội chỉ ra như cơ cấu ngân sách nhà nước còn thiếu bền vững, nợ công cao, xuất khẩu nông sản còn khó khăn, thị trường vận hành chưa thông suốt như thị trường vốn, tài chính còn bất ổn; nhiều biểu hiện xấu về văn hoá, lối sống, đạo đức gây bức xúc... Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tình hình đó đòi hỏi toàn quân, toàn dân ta thống nhất hành động, có giải pháp toàn diện, căn cơ để vượt qua thách thức, hoàn thành kế hoạch 5 năm, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.

Tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội điểm qua, Quốc hội sẽ xem xét một số nội dung quan trọng, thông qua 18 dự án luật, cho ý kiến với 8 dự án luật khác – một khối lượng văn bản rất lớn để sớm hoàn thiện thể chế, đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Kỳ này, Quốc hội tập trung làm hệ thống pháp luật về lĩnh vực tư pháp, tổ chức hoạt động của khối cơ quan tư pháp theo tinh thần của Hiến pháp mới.

Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét kế hoạch phát triển 5 năm tới, kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 -2020, xem xét báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, báo cáo của Chính phủ, báo cáo về công tác chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng chống tham nhũng…

Quốc hội cũng sẽ quyết định ngày bầu cử Quốc hội khoá tới, bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, phê chuẩn danh sách các uỷ viên Hội đồng và bầu Tổng Thư ký Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, kỳ họp thứ 10 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng trong thời điểm cả nước đang phấn đấu để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011 – 2015. Nhiệm vụ nặng nề, trách nhiệm đặt ra với Quốc hội, với mỗi đại biểu cũng rất lớn lao, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tập trung công sức, chuẩn bị chu đáo các nội dung để có thể hoàn thành chương trình kỳ họp.

P.Thảo