Quốc hội chỉ duyệt những khoản nợ… “sự đã rồi”
(Dân trí) - Loại bỏ phần lo lắng về quản lý vốn vay của doanh nghiệp “con cưng”, Dự án Luật quản lý công nợ lại vấp băn khoăn trong việc giao thẩm quyền đi vay và trách nhiệm trả nợ. Phiên thảo luận chiều 4/11, nhiều đại biểu tỏ ý lo cho chính Quốc hội.
Về vấn đề thẩm quyền đi vay, hầu hết các đại biểu kiến nghị phải “quy về một mối”. Đại biểu Ngô Quang Xuân phân tích, hiện Bộ Kế hoạch - Đầu tư được giao quản lý vốn ODA nên chủ trì việc vay nợ lĩnh vực này. Trong khi đó, các khoản vay của Chính phủ do Bộ Tài chính đảm nhiệm, còn nguồn vay từ các cơ chế hợp tác đa phương như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á lại do Ngân hàng Nhà nước quản lý, dù trực tiếp đàm phán vẫn là Bộ trưởng Tài chính tham gia.
Đại biểu Xuân cho rằng, không nên để đầu mối “hờ” là Ngân hàng Nhà nước, phần vay lãi nhẹ ODA cũng nên chuyển hết về cho Bộ Tài chính.
Đại biểu Ngô Doãn Thanh “phê” tiếp quy định chính quyền địa phương trực tiếp vay nợ nước ngoài. Bà Thanh rốt ráo: chỉ nên để một cơ quan tập trung quản lý nợ công là Bộ Tài chính, tương tự như quản lý ngân sách. Các địa phương nếu cần thì được xét vay lại.
Đại biểu Ngô Đức Mạnh bổ sung ý kiến, các tỉnh thành có khả năng cân đối chi tiêu có thể vay lại của Chính phủ nhưng quan trọng là phải có năng lực để sử dụng, quản lý nguồn vốn vay cho hiệu quả. Ông Mạnh kiến nghị quy định chặt hơn về điều kiện sử dụng vốn vay, có vậy mới tránh được tâm lý đi vay theo kiểu… nhiệm kỳ.
Đại biểu Vũ Hồng Anh xoay qua vấn đề khả năng vay và trả nợ liên quan đến ngân sách. Ông Hồng Anh thẳng thắn, Quốc hội là cơ quan quyết định dự toán thu chi ngân sách nhưng lại chỉ được quyết định tổng mức vay nợ hàng năm, việc vay nước ngoài hay phát hành nợ trong trong nước lại là quyền của Chính phủ.
“Như vậy, Quốc hội luôn trong tình trạng “sự đã rồi” khi duyệt những khoản vay nợ nước ngoài” - đại biểu này tổng kết. Hệ quả cuối cùng, Quốc hội cũng bị động, buộc phải duyệt chi ngân sách cho những khoản nợ phải trả hàng năm.
Chủ nhiệm UB tài chính - ngân sách Vũ Viết Ngoạn tỏ ý đồng tình với việc để Quốc hội phê duyệt các khoản vay nợ công vì vấn đề này liên quan đến ngân sách, đến những chiến lược trung, dài hạn mà Quốc hội quyết định.
Đại biểu Ngô Quang Xuân thì cho rằng nên luật hoá về chiến lược, mục đích vay nợ, lấy chính sách tài khoá làm cốt lõi cho hoạt động này.
Đại biểu Đoàn Thị Mỹ Hương gật đầu đồng tình với lý lẽ, cách quản lý nợ vay ảnh hưởng lớn đến thế hệ mai sau, nếu làm tốt, con cháu sẽ được nhờ, ngược lại, trả nợ sẽ là gánh nặng cho đất nước sau này. “Đi vay và trả nợ đều phải nghiêm túc” - bà Hương nhấn mạnh.
Trước những lo ngại về việc bỏ trống nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tạo nhiều kẽ hở gây thất thoát tài sản, nhiều đại biểu đã phủ nhận. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng nếu quy định cả mảng nợ khu vực công, gồm DNNN và đơn vị hành chính sự nghiệp thì rất rộng. Theo ông Lịch, nợ của DNNN nên đưa vào luật quản lý vốn kinh doanh của nhà nước.
Đại biểu Vũ Hồng Anh phân tích thêm bất cập nếu đưa thêm mảng nợ DNNN vào luật quản lý nợ công. Các DNNN đang trong quá trình cổ phần hoá. Hiện còn hơn 1.000 doanh nghiệp mà theo “lịch”, đến tháng 7/2010 sẽ được chuyển đổi. Khi đó, dù nhà nước có nắm giữ phần vốn tối đa cũng sẽ không còn phù hợp với đối tượng dự luật này điều chỉnh.
Về quy định bảo lãnh vay của Chính phủ, các đại biểu cũng kiến nghị hạn chế lại đối tượng. “Chỉ một số doanh nghiệp tham gia vào việc đảm bảo cân đối lớn của nhà nước mới được bảo lãnh” - đại biểu Vũ Như Quang đặt vấn đề.
Đại biểu Trần Văn Kiệt ướm trước, có những trường hợp được bảo lãnh vay xong không đầu tư, vốn nằm đấy và chịu lãi, lý do vì người cho vay thậm chí còn “vận”… tình cảm cá nhân trong quyết định cho vay. Nhiều ý kiến thống nhất cần quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm của người đi vay và cho vay.
P.Thảo