1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quốc hội cần đại biểu biết phản biện để “đấu” với cán bộ tròn trịa

(Dân trí) - “Khá nhiều cán bộ công chức dễ chấp nhận sự tròn trịa. Vì vậy đại biểu Quốc hội rất cần tư duy phản biện, không phải để bới bèo ra bọ mà là phản biện dân chủ để cùng tốt hơn” – đại biểu Huỳnh Nghĩa nói về luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi.

Trong phiên thảo luận về dự luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi tại hội trường ngày 16/6, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) nhận xét, dự thảo luật vẫn chưa đổi mới mạnh mẽ.

Về cơ cấu tổ chức, ông Lịch tán thành quan điểm xây dựng quy định sao để đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội. Tuy nhiên, chương đại biểu Quốc hội đưa ra, theo đại biểu lại không có gì mới, hoạt động vẫn chỉ theo cơ chế mặt trận với 2 bộ phận đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm. Vấn đề đặt ra, theo ông Lịch, phải làm sao để số đại biểu chuyên trách phải thành những người chuyên nghiệp. Làm được việc đó mới tính tiếp hướng có nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách hay không.

Ông Lịch chỉ rõ bất cập, cùng là đại biểu chuyên trách trong một ủy ban mà có 3 loại: Chủ nhiệm – Phó Chủ nhiệm UB, ủy viên thường trực và ủy viên không thường trực với mức đẳng cấp khác nhau dù được dân bầu ra giống nhau.

“Phải chấm dứt tình trạng hành chính hóa vì guồng máy hiện đã quá nhiều chức vụ, sẽ đẻ ra một loạt chức vụ hành chính khi tăng chuyên trách. Với cơ chế chuyên trách như hiện nay, càng tăng theo cách làm này chỉ càng tốn ngân sách, không có lợi cho dân” – ông Lịch cảnh báo.
 
Đại biểu Huỳnh Nghĩa: Nhiều cán bộ, công chức hiện nay dễ chấp nhận, tròn trịa (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Huỳnh Nghĩa: "Nhiều cán bộ, công chức hiện nay dễ chấp nhận, tròn trịa" (ảnh: Việt Hưng).

Cũng đi theo hướng phân tích này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) góp lời, việc thêm đại biểu chuyên trách hay nâng tầm Ban Dân nguyện lên thành một ủy ban của Quốc hội phải xuất phát từ tầm quan trọng, chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị này chứ không nên làm theo hướng hành chính.

Hiện tại việc tham gia các UB của mỗi đại biểu cũng căn cứ theo nguyện vọng và đăng ký. Tiêu chuẩn cần có chỉ là có phẩm chất đạo đức và có điều kiện để tham gia được các hoạt động của các UB. Thực tế cho thấy, một số đại biểu là thành viên của các UB hầu như không đóng góp được nhiều cho UB đó vì trình độ, năng lực chuyên môn cũng có, không có thời gian cũng có. Việc tham gia theo đó chỉ là hình thức.

Đa số các UB của Quốc hội đòi hỏi thành viên của UB phải có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực nhưng không phải đại biểu nào cũng đáp ứng được. Vì vậy, ông Cương cho rằng số lượng thành viên của các UB không cần nhiều như hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng tốt thì hoạt động của các cơ quan này mới hiệu quả và chống được lãng phí.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) kiến nghị nâng thêm tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội để tăng chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất – đó là yêu cầu về tư duy phản biện.

“Hiện nay khá nhiều cán bộ công chức dễ chấp nhận sự tròn trịa. Phản biện không phải là bới bèo ra bọ mà phản biện là dân chủ, tiêu chuẩn rất cần của đại biểu cơ quan dân cử” – ông Nghĩa phát biểu.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cũng cho rằng cần nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 50% và giảm tối đa cán bộ chủ chốt của các cơ quan Đảng, chính quyền tham gia Quốc hội để tránh ghế trống ở nhiều phiên họp.

Lãnh đạo tỉnh cũng nên phải trả lời chất vấn như Bộ trưởng
Đại biểu Huỳnh Nghĩa: Nhiều cán bộ, công chức hiện nay dễ chấp nhận, tròn trịa (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Trần Du Lịch: "Kiểm soát được ngân sách, Quốc hội mới thực sự thực hiện quyền của mình" (ảnh: Việt Hưng).

Chuyển sang câu hỏi làm sao nâng cao vai trò của Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề tiên quyết là Quốc hội phải chủ động trong vấn đề xây dựng chương trình pháp luật và thực sự là cơ quan quyết định ngân sách. Nếu không chủ động đối với 2 phần việc này, theo ông Lịch, bao nhiêu loại quyền trao cho Quốc hội cũng vô nghĩa.

Từ lập luận đó, ông Lịch đề nghị thay đổi trước hết ở UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cần chuyển UB này thành UB Ngân sách, được đầu tư tối đa, thậm chí biến chế gấp 3 lần hiện nay, lấy nhiều chuyên viên giỏi để làm. Luật quy định cần sửa lại, UB Ngân sách tham gia quá trình lập dự toán ngân sách, chịu trách nhiệm trực tiếp về việc này trước Quốc hội chứ không để thụ động như hiện nay.

“Nếu Quốc hội kiểm soát được ngân sách thì tôi tin rằng Quốc hội mới thực sự thực hiện quyền của mình. Quy trình dự toán lập ngân sách mới quan trọng còn làm xong rồi, dùng rồi mà đi quyết toán là không còn quan trọng nữa” – ông Lịch quả quyết.

Đồng tình với phân tích này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương “phê”, việc quyết định ngân sách hiện nay là hoạt động hình thức nhất. Vấn đề đặt ra, theo ông Cương, là tăng cường năng lực cho UB Tài chính và Ngân sách để có đủ sức tham mưu cho Quốc hội quyết định ngân sách một cách thực chất.

Ngoài ra, để tăng vị thế thế của Quốc hội, ông cương đề nghị quy định lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu sự điều trần của Quốc hội, phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội như các Bộ trưởng. Đại biểu nhấn mạnh, thực tế, rất nhiều quyết định của Quốc hội như các chương trình dự án, chỉ dành cho một hoặc cho một số địa phương. Đối tượng thực hiện là địa phương chứ không phải các Bộ cho nên thật vô lý khi các tỉnh thành là người trực tiếp thực hiện mà chỉ các Bộ trưởng lo trả lời chất vấn trước Quốc hội.

P.Thảo