Luật Thủ đô: phải tránh “hô khẩu hiệu”
(Dân trí) - Từ bài học của việc qui định “cao”, nhưng lại khó đi vào thực tiễn của Pháp lệnh Thủ đô, các thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Thủ đô trong buổi làm việc đầu tiên đã nhấn mạnh tới tính khả thi, tính đồng bộ trong quan điểm xây dựng Luật.
Phiên họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo Luật Thủ đô tổ chức vào chiều 24/7 đã cơ bản xác định nguyên tắc, qui chế làm việc, lộ trình và kế hoạch xây dựng dự thảo Luật.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Phó trưởng ban soạn thảo nhìn nhận, Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính có những đòi hỏi mới và Pháp lệnh Thủ đô (ban hành tháng 12/2000) đã không còn đủ sức “cáng đáng” sứ mệnh.
Đóng góp ý kiến về quan điểm xây dựng dự án Luật Thủ đô, ông Nguyễn Văn Pha (Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, Luật chỉ nên chọn những vấn đề đặc thù, không nên quá chi tiết và cũng không đơn thuần là sự tập hợp các qui định pháp luật.
Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 1102/QĐ-TTg về việc thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô. Ban soạn thảo gồm 19 thành viên do Bộ trưởng Tư pháp, Hà Hùng Cường làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Nguyễn Thể Thảo làm Phó Trưởng ban Thường trực. |
Các thành viên ban soạn thảo đã thống nhất quan điểm xây dựng Luật Thủ đô với những qui chế, qui định mang tính đặc thù, tạo điều kiện để thủ đô phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Qui chế hoạt động của ban soạn thảo dự án luật thủ đô và kế hoạch xây dựng luật thủ đô cũng đã được thông qua. Theo đó, những nội dung hoạt động trong quá trình xây dựng dự thảo luật Thủ đô cơ bản được xác định.
Những nội dung này bao gồm: Khảo tình hình thực hiện Pháp lệnh Thủ đô; Tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cần qui định trong dự thảo luật thủ đô; Chuẩn bị đánh giá tác động dự kiến của chính sách trong Dự án Luật; Khảo sát kinh nghiệm của các nước…
Ban soạn thảo đặt ra kế hoạch, có thể xem xét đề cương chi tiết vào tháng 9 tới và dự kiến trình Chính phủ dự thảo luật này vào cuối năm 2009 hoặc tháng 1 năm 2010. Cũng theo dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5/2010.
Ban soạn thảo xác định, vấn đề chất lượng, tiến độ, tính khả thi của các qui định là ưu tiên hàng đầu cho quá trình xây dựng dự thảo luật thủ đô.
Theo nghiên cứu sơ bộ của Bộ Tư pháp, những quốc gia theo mô hình Nhà nước đơn nhất như Việt Nam rất hiếm nước có Luật Thủ đô. Trong khi đó, các nước theo mô hình liên bang như Canada, Ấn Độ… có Luật về Thủ đô. Một số nước khác chỉ có Quy chế về Thủ đô. |
Mạnh Cường