Nghệ An:
Quê nhà nghẹn ngào đón chiến sĩ hy sinh tại Trường Sa
(Dân trí) - Sáng ngày 23/1, Trung úy Phan Văn Hạnh (SN 1981, Lữ đoàn 146) - chiến sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại đảo Tóc Tan C thuộc quần đảo Trường Sa - đã được an táng tại quê nhà xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
Trước đó, chiều ngày 22/1, chiếc xe chở linh cữu anh Hạnh về đến quê nhà Vĩnh Thành. Rất đông người thân, hàng xóm vây quanh chiếc xe đón người chiến sĩ trẻ trở về trong nước mắt. Làng quê nghẹn ngào thổn thức niềm tiếc thương vô hạn với người chiến sĩ hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Đón nhận linh cữu cùng những kỷ vật của con trai từ Phòng Chính sách Quân chủng Hải quân, bà Trần Thị Đúc (52 tuổi) rưng rưng: “Thằng Hạnh của mẹ đây rồi. Con trở về mà không nói với bố mẹ một lời nào hả con. Sao không để tôi đi thay con mà lại bắt kẻ tóc bạc tiễn người đầu xanh như thế này…”.
Từ ngày hay tin con trai cả hy sinh tại quần đảo Trường Sa, bà Đúc liên tục ngất lên ngất xuống. Những lúc tỉnh bà lại đi ra đi vào như người mất hồn, thỉnh thoảng nhìn di ảnh cậu con trai rồi khóc nấc gọi tên con.
Giữa gian nhà cấp 4, một chiếc bàn thờ được đặt trang trọng để bạn bè, hàng xóm đến chia sẻ nỗi đau với gia đình. Gạt nước mắt, ông Phan Văn Hà - bố Trung úy Hạnh - kể, Hạnh vốn là anh cả trong gia đình có 4 anh chị em. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nên không mấy dư dả. Học hết cấp 3, anh Hạnh không thi đại học mà ở nhà lao động cùng bố mẹ để nuôi các em ăn học. Khi vừa tròn 21 tuổi, anh Hạnh đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự và được nhập ngũ vào Tiểu đoàn 865 - thuộc Lữ đoàn 126 Hải Quân.
Năm 2007, anh Hạnh kết duyên với chị Nguyễn Thị Dung - là một thôn nữ cùng làng và vào Đồng Nai sinh sống. Một năm sau, bé Phan Thùy Dương ra đời trong niềm mong mỏi của cả gia đình, họ hàng. Sau thời gian phấn đấu, Trung úy Hạnh được điều động về Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải Quân công tác.
Ngày 18/1, trên đường đi tuần tra bảo vệ đảo Tóc Tan C thuộc quần đảo Trường Sa, xuồng của Trung úy Phan Văn Hạnh đã bị lật và anh Hạnh đã hy sinh sau đó. Thi thể của anh được đưa về cảng Nhơn Trạch, Đồng Nai và chuyển về bệnh viện 175, Bộ Quốc phòng để làm lễ nhập quan. Nhận được tin báo từ đơn vị về gia đình, người thân hàng xóm không dám tin sự việc lại xảy ra đột ngột như vậy. Theo nguyện vọng của gia đình thi thể của anh Hạnh được đưa về quê nhà để an táng.
Trên chuyến xe đưa anh Hạnh về với đất mẹ, chị Nguyễn Thị Dung (vợ chiến sĩ Hạnh) thều thào gọi tên chồng: “Anh ơi, sao anh lại bỏ mẹ con em mà đi như vậy anh. Anh đi rồi, con còn nhỏ dại anh bảo em phải làm sao bây giờ đây anh…”. Bên cạnh chị Dung, bé Phan Thùy Dương (5 tuổi, con gái của anh Hạnh) đầu chít vành khăn tang trắng thấy mẹ khóc cũng òa khóc theo đòi bố.
Ông Phan Văn Diên, bác ruột của anh Hạnh, kể: “Cách đây 2 tuần, anh Hạnh điện thoại về hứa là tháng 3 sẽ cắt phép về quê, sửa sang lại nhà cửa cho bố mẹ. Không ngờ cháu tôi nó lại vắn số như vậy. Bây giờ nó mất đi để lại vợ trẻ, con thơ biết nương tựa vào ai bây giờ”.
Ông Nguyễn Đăng Nam, cán bộ chính sách xã Vĩnh Thành, cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ khi nhận được tin anh Hạnh mất. Đối với chúng tôi, anh Hạnh là một người con ưu tú của làng, của xã. Sau khi hay tin chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên để có phương án chuẩn bị lo hậu sự cho anh Hạnh”. Phòng Chính sách Cục Chính trị Hải quân cho biết đang hoàn tất thủ tục để công nhận liệt sỹ đối với Trung úy Hạnh.
Sáng 23/1, nghĩa trang Vĩnh Thành chật cứng người tới dự lễ an táng Trung úy Phan Văn Hạnh - những người đồng đội, những bạn bè, người thân, những người hàng xóm... cùng thắp nén nhang cho người chiến sĩ trẻ hy sinh khi mùa xuân đang về.
Nguyễn Duy - Hòa Tình