Quảng Nam sẽ sáp nhập huyện Núi Thành và thành phố Tam Kỳ
(Dân trí) - Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có nhiều điểm đáng chú ý. Trong đó, tỉnh dự kiến sáp nhập huyện Núi Thành và thành phố Tam Kỳ để trở thành đô thị loại I.
Thông tin này được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chia sẻ ngày 14/3, khi nói về đề án quy hoạch tỉnh 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và "Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia Quảng Nam - 2024".
Đề án quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay và đến 2030, theo lời ông Thanh.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết điểm nhấn trong đề án quy hoạch là tiếp thu ý kiến kết luận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển Quảng Nam trong giai đoạn sắp tới.
Tỉnh Quảng Nam xác định 2 vùng cho động lực phát triển là vùng trọng điểm phía bắc và vùng trọng điểm phía nam.
Trong đó, vùng trọng điểm phía bắc gồm: thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc.
3 địa phương này gắn kết với thành phố Đà Nẵng trong quá trình phát triển, khai thác những lợi thế của đô thị di sản Hội An, lợi thế về không gian phát triển đô thị mới của Điện Bàn và phát triển đô thị công nghiệp của Đại Lộc.
Ngoài ra, vùng trọng điểm này tích hợp các yếu tố khác của địa phương lân cận để xây dựng chương trình phát triển liên kết vùng ở khu vực bắc Quảng Nam, gắn kết với định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng.
Vùng trọng điểm phía nam, gồm: thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và Phú Ninh với chức năng đô thị hành chính, đô thị phát triển công nghiệp trọng điểm.
"Khu vực này có cảng biển, sân bay cấp quốc gia, quốc tế; định hướng sáp nhập thành phố Tam Kỳ với huyện Núi Thành để xây dựng thành đô thị loại I trong tương lai", ông Thanh nhận định việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuỗi đô thị ven biển miền Trung.
Đối với hành lang phát triển, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết đã xác định được hành lang phát triển của tỉnh có ý nghĩa liên kết vùng.
Trước hết, hành lang ven biển tính từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống đến biển. Nơi đây có lợi thế phát triển rất tốt về công nghiệp, du lịch, dịch vụ gắn với hoạt động đào tạo nghề, phát triển đô thị.
Hành lang thứ hai từ đường 14B, 14D, 14E kết nối khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang qua Lào, Thái Lan. Đây là tuyến hành lang có ý nghĩa khai phá khu vực phía tây tỉnh Quảng Nam, kết nối với các địa phương khác, gia tăng lượng hàng hóa, phát triển du lịch xuyên á, gắn kết với Tây Nguyên…
Ngoài ra, tuyến đường Hồ Chí Minh và tuyến Đông Trường Sơn là những tuyến quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, nhất là phát triển kinh tế rừng, khoáng sản, thủy điện...
"Tất cả không gian phát triển theo phân vùng đã làm rất rõ trong đề án quy hoạch của tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, nhiều trung tâm phát triển của tỉnh đã được Chính phủ nêu rõ trong đề án quy hoạch", Chủ tịch tỉnh Quảng Nam khẳng định.