Quản lý tập đoàn kinh tế đừng để “ai làm rốt cuộc cũng phạm tội”
(Dân trí) - TS Dương Thanh Biểu- nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá việc đưa ông Đinh La Thăng ra xét xử cho thấy quan điểm “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, cơ chế quản lý đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước cần phải sớm thay đổi để tránh dư luận cho rằng “ai vào làm ở vị trí này rốt cuộc cũng phạm tội”.
- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về công tác đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là việc đưa ra xét xử hàng loạt đại án lớn, trong đó có vụ của ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm sẽ được TAND TP Hà Nội tuyên án hôm nay?
- TS Dương Thanh Biểu: Một thời dư luận phản ánh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt, né tránh, cấp dưới đùn đẩy, trông chờ cấp trên; cấp trên thì cứ hô hào “quyết tâm, đẩy mạnh, tăng cường”. “Nói nhiều làm ít” hoặc “chỉ nói mà không làm”, “đánh từ vai trở xuống”…
Năm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc kịp thời, như là thanh bảo kiếm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Sau mỗi kỳ họp, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đều thông báo công khai, kịp thời, rõ ràng những vi phạm của tổ chức và cá nhân. Đây là bước tiến rất căn bản trong công tác kiểm tra của Đảng.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, các cơ quan chức năng Trung ương đã quyết liệt triển khai thực hiện, đưa truy tố xét nhiều vụ đại án tạo được dư luận tốt trong nhân dân.
Trong lịch sử tư pháp nước nhà, chưa có trường hợp nào nguyên là Ủy viên Bộ Chính bị đưa truy tố, xét xử như trường hợp Đinh La Thăng. Chúng ta đang chứng kiến TAND TP Hà Nội xét xử công khai, dân chủ, nghiêm minh đối với vụ án nay. .
Việc ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam và truy tố, xét xử cho thấy sự nỗ lực lớn với ý chí quyết tâm rất cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn bộ máy của Nhà nước.
Việc đưa vụ án Đinh La Thăng và đồng bọn ra xét xử (và cả những vụ đại án vừa qua) là thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng với quan điểm “không có vùng cấm”.
Hôm nay 22/1, TAND TP Hà Nội tuyên án bị cáo Đinh La Thăng và 21 thuộc cấp (Ảnh: TTXVN).
- Theo ông những nguyên nhân nào dẫn tới việc nhiều cán bộ, lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế nhà nước lớn đã bị khởi tố trong thời gian qua?. Phải chăng việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các tập đoàn “có vấn đề”, có nhiều lỗ hổng?
- Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng theo tôi có ba nguyên nhân quan trọng, cơ bản nhất.
Đầu tiên, năng lực quản trị doanh nghiệp của các tập đoàn kinh tế là rất yếu. Tháng 3/1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 91/TTg ngày 07/3/1994 thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh. Tuy nhiên, các tổ chức kinh doanh được hình thành theo quyết định này thời gian đầu được gọi là Tổng công ty 91. Tháng 3/2005, Thủ tướng đã quyết định thí điểm thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Từ đó, các Tổng công ty 91 dần dần được chuyển thành các tập đoàn kinh tế thí điểm. Song, phải đến tháng 11/2009, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định thành lập một số Tập đoàn kinh tế nhà nước.
Các tập đoàn kinh tế Việt Nam được thành lập dựa trên các Tổng công ty có quy mô chưa lớn, yếu kém trong quản lý, quen dựa vào bao cấp, vừa mang tính độc quyền vừa tham vọng có thêm quyền lực. Trong lúc đó, phần lớn các vị trí chủ chốt (Hội đồng thành viên) được bổ nhiệm với năng lực quản trị, kinh doanh yếu nên hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.
Đã có ý kiến bày tỏ quan ngại khi các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chiếm đến 50% tổng vốn đầu tư nhà nước, nhưng lại chiếm 70% tổng dư nợ quốc gia và 80% dư nợ tín dụng.
Thứ hai là ý thức chấp hành pháp luật của các Tập đoàn kinh tế không nghiêm. Trong hoạt động đầu tư, pháp luật quy định rất rõ về thủ tục, trình tự của quá trình lập dự án, đầu tư và kiểm tra, thanh tra của hoạt động đầu tư nhưng tình trạng phổ biến trong thời gian qua là lãnh đạo một số Tập đoàn đã bất chấp pháp luật, tự do, tùy tiện khi quyết định đầu tư.
Lãnh đạo một số tập đoàn đã tự quyết định đầu tư những dự án lớn mà không báo cáo cấp có thẩm quyền, không tổ chức đấu thầu… dẫn đến sai sót và thất thoát lớn tài sản của nhà nước.
Ví dụ, qua thanh tra phát hiện các tập đoàn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV),… đã làm thất thoát tài sản nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng do không chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Trong đó cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều bị can nguyên là lãnh đạo tập đoàn về tội cố ý làm trái.
Điển hình là vụ án cố ý làm trái do Đinh La Thăng cùng nhiều bị can khác nguyên là lãnh đạo PVN và các đơn vị thành viên. Hoặc như vụ Cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam Lê Quang Thung cùng 4 thuộc cấp bị khởi tố về tội cố ý làm trái. Trước đó nữa là vụ Nguyễn Thanh Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin.
Gần đây nhất, cơ quan chức năng đang xem xét tới việc làm ăn thua lỗ, nhiều dấu hiệu vi phạm hình sự xảy ra tại TKV hay vụ việc nhiều lãnh đạo Vinachem bị xử lý kỷ luật gần đây.
Ngoài việc cố ý làm trái, các cơ quan chức năng đang xem xét hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của nhà nước hoặc thành lập các công ty sân sau để chiếm đoạt tài sản,… gây thiệt hại lớn tài sản nhà nước, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn liên tục lỗ.
Thứ ba, công tác quản lý nhà nước đối với các Tập đoàn kinh tế rất yếu kém. Đã một thời gian dài, hoạt động của các Tập đoàn kinh tế nhà nước không được quản lý theo pháp luật. Qua một số vụ án đã được xét xử tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hay vụ án xảy ra tại Vinashin, cho thấy, Chủ tịch Tập đoàn là người có quyền quyết định tất cả.
Trong lúc đó, pháp luật quy định rất rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước như thanh tra, kiểm toán... của các Bộ, ngành đối với các đơn vị kinh tế. Nhưng các công cụ quản lý nhà nước như Thanh tra, Kiểm toán không được sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả nên không phát hiện vi phạm.
Nhiều đoàn thanh tra của các Bộ, ngành, thậm chí, có tập đoàn được Thanh tra Chính phủ vào nhiều lần, như Vinashin nhưng không phát hiện ra sai phạm. Chỉ đến khi vụ án được khởi tố, những vi phạm nghiêm trọng mới được phát hiện.
Do buông lỏng công tác quản lý nhà nước, vi phạm tại các Tập đoàn kinh tế nhà nước xảy ra trong thời gian dài, ngày càng nghiêm trọng, gây hậu quả rất lớn về kinh tế của nhà nước. Với cơ chế quản lý này, đã có ý kiến cho rằng, ai vào làm ở vị trí này rốt cuộc cũng phạm tội.
- Ông có kiến nghị gì để bịt kín những kẽ hở này?
- Những vi phạm tại các các tập đoàn trong thời gian qua là những bài học đắt giá trong công tác quản lý nhà nước. Để khắc phục tình trạng trên đây, tôi xin kiến nghị 3 vấn đề cần thay đổi.
Thứ nhất: Các cơ quan chức năng phải rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý các Tập đoàn kinh tế nhà nước để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm bịt những sơ hở mà kẻ phạm tội có thể lợi dụng.
Thứ hai: Các Bộ, ngành chỉ thực hiện việc quản lý nhà nhà nước đối với các Tập đoàn kinh tế như xây dựng chính sách, thể chế, thanh tra, kiểm toán nhằm hướng cho các Tập đoàn chấp hành pháp luật. Còn việc kinh doanh như thế nào do các Tập đoàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật
Thứ ba: Phải lựa chọn những người lãnh đạo Tập đoàn kinh tế là những nhà có chuyên môn, nghiệp vụ, sở trường kinh doanh, kết hợp thực hiện việc cổ phầm hóa một cách triệt để, thực hiện nghiêm minh việc công khai, minh bạch trong sản xuất kinh doanh.
- Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)