"Quai búa" mạnh mẽ của những phụ nữ làm nghề cơ bắp
(Dân trí) - Từ những cô gái mười bảy, đôi mươi đến những phụ nữ tuổi ngoài 60 vẫn ngày đêm hành nghề "quai búa" ở lò rèn. Họ là số ít những người phụ nữ làm nghề "cơ bắp" như cánh mày râu.
Có truyền thống lâu đời về nghề rèn, làng rèn Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) những năm trở lại đây không ngừng đổi mới cả về chất lượng lẫn mẫu mã. Nhưng ít ai biết được, để tạo ra những bộ dao kéo, cuốc, xẻng... chất lượng ấy, bên cạnh những người đàn ông khỏe mạnh thì không thiếu bóng dáng của những tay búa nữ.
Ở Tiến Lộc có 3 làng nổi tiếng về nghề rèn là Làng Sơn, làng Ngọ và làng Bùi. Ngoài cánh đàn ông được truyền nghề với kinh nghiệm và kỹ thuật điêu luyện thì những người phụ nữ sinh ra và làm dâu ở vùng đất này cũng có tay nghề không kém.
Những ngày này, tôi có dịp ghé thăm vùng quê này để tận mắt chứng kiến những "tay búa nữ" hành nghề. Không khí làm việc nơi làng nghề rèn Tiến Lộc luôn rộn ràng với tiếng đe, tiếng búa vang lên khắp nơi.
Bà Nguyễn Thị Thơm, ở làng Sơn, xã Tiến Lộc năm nay tuổi đã gần 60 nhưng vẫn còn thể hiện sức khỏe của mình với những nhát búa đập chan chát bên lò rèn. Mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ, bà cũng như những người khác gắn bó với chiếc búa và sự bỏng rát của lò than.
Ngót nghét cũng đã hơn 30 năm bà Thơm hành nghề "quai búa". Điều đáng nói, bà sinh ra không phải từ một gia đình có nghề rèn truyền thống. Mãi đến khi lập gia đình, cái nghề "cơ bắp" ấy mới chọn đến bà.
Vừa giáng những nhát búa bà vừa nói: "Ở làng rèn này, hầu như từ những thiếu nữ tuổi tầm 17 đến những phụ nữ tuổi ngoài 60 đều biết đến nghề rèn. Những cô gái lấy chồng và làm dâu ở đất này như tôi, chỉ vài ba năm là tay búa điêu luyện như thợ chính. Đó là đặc thù của nghề, cái nghề này đa phần chồng làm thầy thì vợ sẽ làm học trò, mãi rồi cũng biết".
Cách nhà bà Thơm không xa, trong xưởng rèn nóng bức chừng vài chục mét vuông, chị Lê Thị Lan (35 tuổi, làng Ngọ, xã Tiến Lộc) đang vung những nhát búa nặng vài kg mạnh mẽ như cánh mày râu. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng chị Lan đã có tới 15 năm làm nghề thợ rèn.
"Lúc đầu tôi cũng chỉ giúp chồng những công việc phụ, nhưng làm mãi rồi cũng thành quen. Hầu hết các kỹ thuật làm rèn mà phụ nữ chúng tôi có được đều do chồng chỉ bảo", chị Lan bộc bạch.
Thân con gái làm việc "cơ bắp" vốn đã vất vả mà tiền công cũng bọt bèo. Chị Nguyễn Thị Hà (32 tuổi) là một trong số ít những người phụ nữ đi làm thuê nghề "quai búa" ở làng rèn.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Hà bắt đầu công việc tại lò rèn từ 6h sáng và trở về khi trời đã tối mịt. Chị Hà sinh ra và lớn lên ở xã kế bên, quanh năm chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng. Vài năm trở lại đây, do chồng ốm đau bệnh tật nên chị phải xin đi làm thuê ở các lò rèn để kiếm thêm thu nhập. Thấm thoắt đã 3 năm trôi qua, chị Hà từ một cô gái mỏng manh nay đã thành thạo với cái nghề vốn nặng nhọc này.
Chia sẻ về nghề, chị Hà cười nói: "Vất vả là vậy nhưng tiền công mỗi ngày cũng chẳng được là bao. Với những người làm công như tôi thì mỗi ngày chỉ kiếm được từ 100 - 150 nghìn đồng. Nghề này vất vả nhất là mùa hè khi sức nóng từ bên ngoài kèm cái nóng của lò than có khi lên tới 1.000 độ C bốc ra không thể chịu nổi. Có những hôm trời nóng gắt, toàn thân lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi".