Hà Nội:
Quá tải lãnh đạo sở ngành, cấp dưới mất động lực phấn đấu
(Dân trí) - Hà Nội mới lo trước hết là “nhà đông con”, tới 29 quận huyện, tối đi ngủ cha mẹ cũng chỉ biết “đếm chân” để điểm danh. Có hàng trăm trưởng, phó phòng mỗi sở ngành mà nhìn lên lại còn cả loạt cấp phó “chặn trước”, khi nào tới cơ hội cho cấp dưới…
Đại biểu Trần Quang Cảnh của một huyện vừa hợp nhất, Mê Linh, cho rằng giữ cơ cấu lãnh đạo các sở, ngành quá lớn là triệt tiêu động lực phấn đấu của cán bộ. Nhiều đại biểu, trong buổi thảo luận về KT-XH của thủ đô chiều 8/12, cũng đồng ý kiến về việc cần điều chỉnh số lượng cán bộ đứng đầu các sở, ngành cho hợp lý.
Hết nguồn “tận thu” từ bất động sản
Đại biểu Mai Xuân Hùng (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ lo lắng về vấn đề đầu tư nước ngoài đối với thành phố. Ông Hùng cảnh báo, chính đầu tư nước ngoài đang phá vỡ cơ cấu kinh tế. Cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài, 85% “rót” vào lĩnh vực đất đai, bất động sản, vào nông nghiệp chỉ 1% và hơn 10% còn lại cho tất cả các lĩnh vực khác. Ông Hùng cho rằng, xét từ nguồn thu là đất đai của mình thì thành phố được hưởng gì từ việc đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này?
Đại biểu Hùng cũng đề nghị xem xét lại các chỉ tiêu kinh tế đề ra. Theo ông, tăng trưởng GDP của thành phố chỉ nên dừng ở 9% để đảm bảo khả thi, để ổn định. Kim ngạch xuất khẩu năm tới, theo đó, cũng chỉ nên đặt ra mức tăng 16% thay vì 18% như mục tiêu. Tăng thu ngân sách 5% ông Hùng cho rằng cũng khó đạt.
Đồng tình với những quan ngại của đại biểu quận Hoàn Kiếm, đại biểu Trần Thị Nhàn (quận Hoàng Mai) cảnh báo khả năng thâm hụt nguồn thu năm tới. Đại biểu này cho rằng, thiểu phát là nguy cơ rõ ràng. Nguồn thu hàng năm của Hà Nội chiếm tới 46% là từ đấu giá đất. Mà những dự án đầu tư bất động sản như Keangnam đến nay đã “tận thu”, hầu như không còn gì trong năm 2009.
Nhiều đại biểu thống nhất nhận định, 2009 sẽ là một năm đặc biệt khó khăn với thủ đô.
Môi trường, vấn đề đang rất sôi nổi thời gian qua, cũng được các đại biểu trao đổi nhiều khi đề cập tới các chỉ tiêu về an sinh xã hội. Đại biểu Hoàng Thanh Vân (huyện Ba Vì) “báo động” môi trường vùng ngoại thành còn nan giải hơn nội thành vì cơ chế ô nhiễm lây lan lung tung. Trong khi dân nội thành đang phải đối mặt với vấn nạn hít 9 tỷ hạt bụi/người/ngày thì dân ngoại thành lại đứng trước nguy cơ vài mươi năm nữa không có nước dùng vì nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng do đủ loại chất độc hại thẩm thấu.
Đại biểu Phạm Thị Thành đặt vấn đề nghi ngờ, các làng nghề ở Hoài Đức xả nước thải chưa xử lý, làm ô nhiễm sông Nhuệ mà nơi gánh chịu nguồn ô nhiễm là phần hạ lưu Từ Liêm.
“Nhà đông con”, cán bộ mất động lực… thăng tiến
Đi sâu vào tình hình thành phố sau thời điểm hợp nhất, đại biểu Phạm Thị Thành tiếp tục trao đổi thẳng thắn, tổng biên chế hành chính của Hà Nội hiện quá lớn. Bà lấy ví dụ, Sở Văn hoá - thể thao - du lịch sau hợp nhất có tới 12 Phó giám đốc. “Như vậy, chúng ta phải chờ đến khi các đồng chí về hưu cả vì không dám giải quyết ngay”.
Bà Thành cũng nêu việc dân nói quá nhiều về việc thành phố Hà Đông, trước khi sáp nhập về Hà Nội, các đơn vị “nới tay” lấy thêm rất nhiều biên chế, tăng lương thoải mái. Với số biên chế “cơ hội” này, bà Thành yêu cầu có cách thức xử lý.
Đại biểu Nguyễn Tấn Thắng (Hoàn Kiếm) ủng hộ quan điểm sắp xếp lại ngay đội ngũ cán bộ thành phố sau khi mở rộng địa giới hành chính vì không thể để một sở mà có nhiều cấp phó đến thế. Ông Thắng cho rằng, kéo dài tình trạng “tạm chấp nhận” sau thay đổi là không nên, cần giảm ngay những vị trí thừa trong năm tới.
Đại biểu Trần Quang Cảnh của một đơn vị mới sáp nhập, huyện Mê Linh, thì phân tích một cách hình tượng: Hợp nhất Hà Nội lo trước hết là “nhà đông con” quá, tới 29 quận huyện, tối đi ngủ cha mẹ cũng chỉ biết đếm chân để kiểm con cái vì không nhớ hết tên. Việc điều chỉnh nhân sự, theo ông Cảnh, cần vài ba năm vì không dưng, không thể tự nhiên cho cán bộ nghỉ việc được.
Tuy nhiên, nếu không xử lý nhanh thì cán bộ nhân viên trong cơ quan không có động lực để phấn đấu. Ông Cảnh nêu rành rẽ phải trái, nhu cầu phấn đấu, thăng tiến với mỗi người là chuyện đương nhiên. Nhưng với cơ cấu tới hàng trăm trưởng, phó phòng mỗi sở ngành mà nhìn lên trên lại còn cả loạt cấp phó “chặn trước” thì khi nào mới có cơ hội cho cấp dưới - đại biểu Mê Linh đặt câu hỏi thực tế.
P.Thảo