Chánh án Nguyễn Văn Hiện:
Quá nhiều án, thẩm phán khó tránh sai sót!
(Dân trí) - “Cả 3 vụ án mà Uỷ ban Pháp luật của QH giám sát đều sai cả, đấy là mới xem xét ở 3 vụ. Vậy liệu còn có bao nhiêu vụ sai tương tự như vậy”, đại biểu Đặng Như Lợi - Tỉnh Cà Mau chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện về vấn đề oan sai trong xét xử hiện nay.
Đại biểu Đặng Như Lợi cũng đặt vấn đề về việc xử lý cán bộ trong trường hợp này như thế nào, và có khuất tất hay tiêu cực gì sau các vụ án này hay không?
Trả lời câu hỏi này, Chánh án TANDTC cho rằng hầu hết những vụ án này đã được xét xử và có hiệu lực pháp luật trước năm 2000. Một số thẩm phán xét xử các vụ án này cũng đã nghỉ hưu. Khi xem xét trách nhiệm của những người liên quan, đại đa số ý kiến cho rằng đây là những vụ án phức tạp nên gặp khó khăn trong xét xử và hầu như không thể kết luận có tiêu cực trong những vụ án đó. “Một thẩm phán trong một tháng phải xét xử từ 6 - 10 vụ án, 1 năm giải quyết hàng trăm vụ án thì khó tránh khỏi những sai sót”, Chánh án giải đáp.
Đại biểu Đinh Văn Oanh - Tỉnh Nghệ An cho biết ở một số địa phương có nhiều vụ án hình sự mà Toà sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội, nhưng khi kháng nghị và xử phúc thẩm thì lại tuyên bị cáo có tội, thậm chí có tội đến 8 năm. Ông đặt câu hỏi: “Có phải các Thẩm phán, Chủ toạ những phiên toà này chùn tay không. Chánh án cho rằng Nghị quyết 388 ra rồi thì ngành Toà án không chùn tay, nhưng hiện tượng này có phải chùn tay không? Trả lời câu hỏi này, ông Hiện cho rằng trong thực tế tiến hành tố tụng, xét xử thì toà án sơ thẩm kết luận là có tội, nhưng lên tòa án cấp trên, sau khi xem xét các tài liệu chứng cứ thì tuyên là không phạm tội thì cũng là lẽ…thường tình. Việc chứng minh người ta có chùn tay mà sợ hay không thì lại là việc khác.
Đại biểu Oanh không thỏa mãn và cho rằng Chánh án chưa trả lời rõ, ông nêu ví dụ: “Thẩm tra của Uỷ ban pháp luật QH nêu ở một địa phương có 15 bị cáo mà Toà án sơ thẩm tuyên không có tội. Nhưng khi xem xét phúc thẩm, Toà án chỉ chấp nhận là 11 bị cáo vô tội. Đề nghị Chánh án đưa ra giải pháp gì khắc phục những hiện tượng này, nếu không dễ làm oan người vô tội”.
Đáp lại, Chánh án cho rằng biện pháp xử lý hiện nay là thẩm phán xử sai phải giải trình về trách nhiệm của mình và có thể không tái nhiệm nữa, còn trên thực tế chưa xảy ra tình trạng kết án sai do động cơ xấu hoặc tiêu cực. Một phương án xử lý nữa là… nhắc nhở trong các hội nghị tập huấn cũng như trong các hội nghị tổng kết.
Đại biểu Vy Đức Được, bức xúc trước một số vụ án kéo dài, ông hỏi: “Chánh án cho biết ngoài 3 vụ mà Uỷ ban Pháp luật đề nghị thì với cương vị trách nhiệm của mình Chánh án đã chỉ đạo được bao nhiêu vụ để làm rõ trách nhiệm của mình chứ không phải là trách nhiệm của nhiệm kỳ trước nữa”.
Trả lời câu hỏi này, ông Hiện cho rằng: “Trong nhiệm kỳ của tôi đã giải quyết được rất nhiều loại việc tương tự như thế này, còn đại biểu Quốc hội hỏi là bao nhiêu thì chắc rằng tôi…không thể nói ngay được”.
Kết thúc phần chất vấn Chánh án TANDTC, Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu nhận xét, một trong những vấn đề mà các đại biểu quan tâm nhất là chất lượng xét xử, những năm qua chất lượng xét xử nhìn chung được nâng lên, nhưng sai sót còn không ít, đặc biệt oan sai vẫn xảy ra. Hiện tượng vi phạm pháp luật của các cán bộ trong cơ quan tố tụng vẫn còn.
Phó chủ tịch QH cũng cho rằng, việc ban hành Nghị quyết 388 là đúng, kịp thời và hợp lòng dân. Giải quyết những trường hợp oan sai cho dân, cơ quan làm sai phải công khai xin lỗi, thành tâm xin lỗi, kiên quyết sửa chữa và khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị oan.
Đ.H- H.H