1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Quả đồi ở Lâm Đồng nứt toác: Di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Minh Hậu

(Dân trí) - Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định khu vực đồi xuất hiện vết nứt, nguy cơ sạt lở cao nên phải di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ngày 16/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND huyện Đức Trọng kiên quyết di dời người dân ra khỏi khu vực chân đồi có nguy cơ sạt lở đất.

Trong trường hợp người dân không chấp hành, buộc cưỡng chế, di dời; áp dụng các biện pháp như: khóa cổng, lắp rào chắn, bố trí lực lượng trực tại khu vực, không để người dân tự ý quay về nơi nguy hiểm khi chưa có sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Quả đồi ở Lâm Đồng nứt toác: Di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm - 1

Vết nứt trên đồi thông tại thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng (Ảnh: Minh Hậu).

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND huyện Đức Trọng tăng cường quản lý các hoạt động san gạt tạo mặt bằng xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; không để phát sinh xây dựng công trình trái phép tại các vị trí, khu vực sườn dốc, taluy cao; xử lý nghiêm tình trạng san gạt đất trái phép ở chân mái dốc để tạo mặt bằng xây dựng nhà ở, gây nguy cơ sạt lở.

Trước đó, báo Dân trí thông tin, nhiều hộ dân tại thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng sống trong lo âu vì đồi thông xuất hiện vết nứt kéo dài gần 80m; nhiều vị trí, vết nứt ăn sâu xuống lòng đất 1-2m, miệng vết nứt mở rộng 1-3m; vết nứt nằm ở độ cao 10-40m của đồi thông, nằm cách các nhà dân ở chân đồi từ 30-100m đường chim bay.

Sau khi báo chí phản ánh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra.

Cơ quan chức năng sau đó xác định, đồi thông xuất hiện vết nứt tại thôn Quảng Hiệp có diện tích khoảng 35ha, thuộc tiểu khu 277B do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (UBND huyện Đức Trọng) quản lý. Phần chân đồi đã bị san gạt và do mưa nhiều nên mái dốc có vết nứt, nguy cơ sạt lở cao. Dưới chân đồi là khu vực đất sản xuất nông nghiệp, 11 căn nhà của người dân.