1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Quả bom nước" nguy cơ vỡ: Chỉ có 15 ngày để cứu

Đặng Dương

(Dân trí) - Trước tình trạng xuất hiện các vết nứt và sạt trượt ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các công trình hồ đập, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN đề nghị Đắk Nông công bố ngay trình trạng khẩn cấp.

Các vết nứt và sạt trượt là "tai biến"

Ngày 7/8, Đoàn Công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn, đã kiểm tra thực tế tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, từ 28/7 đến 6/8, trên địa bàn liên tục xuất hiện mưa lớn kéo dài; tổng lượng mưa đo được là hơn 400mm, có nơi hơn 550mm…

Quả bom nước nguy cơ vỡ: Chỉ có 15 ngày để cứu - 1

Hồ chứa nước Đắk N'Ting có nguy cơ bị vỡ sau khi xuất hiện các vết nứt (Ảnh: Đặng Dương).

Mưa nhiều dẫn đến mực nước trên các sông, suối, hồ đập trong những ngày qua dâng cao, gây ngập úng cục bộ tại nhiều khu dân cư và sụt lún, sạt truợt đất tại một số khu vực.

Đặc biệt Hồ thủy lợi Đắk N'Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) và quốc lộ 14 đoạn qua thành phố Gia Nghĩa; khu vực bon Bu Krắc và bon Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) xuất hiện các vết nứt và sạt trượt kéo dài.

Kiểm tra thực tế một số khu vực nêu trên, các chuyên gia đánh giá, các vết nứt bất thường này là "tai biến" địa chất, xuất hiện sau khi có mưa to kéo dài, phá vỡ kết cấu của công trình.

Quả bom nước nguy cơ vỡ: Chỉ có 15 ngày để cứu - 2

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên kiểm tra hồ chứa nước Đắk N'Ting (Ảnh: Đặng Dương).

PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái (thành viên đoàn công tác) nhận định việc xuất hiện các vết nứt và các khối dịch chuyển xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do mưa nhiều và mưa kéo dài

"Sạt trượt trên mái dốc thì nguyên nhân chủ yếu là mưa. Số liệu thống kê cho thấy, lượng mưa lớn nhất của tháng 7 hàng năm chỉ khoảng 400mm, nhưng tháng 7 năm nay lượng mưa đã hơn 700mm. Mưa nhiều đã làm tăng mực nước ngầm và làm giảm chỉ tiêu cường độ của đất, đặc biệt là giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa mưa", PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái nhận định.

Quả bom nước nguy cơ vỡ: Chỉ có 15 ngày để cứu - 3

PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái (Ảnh: Đặng Dương).

Vị chuyên gia này kiến nghị bên cạnh việc sửa chữa trước mắt, tỉnh Đắk Nông cần khảo sát kỹ lưỡng phạm vi khối trượt để có đánh giá chính xác chiều sâu của mực nước ngầm.

Quả bom nước nguy cơ vỡ: Chỉ có 15 ngày để cứu - 4

Các chuyên gia đóng góp ý kiến để tỉnh Đắk Nông có giải pháp bảo đảm an toàn hồ đập (Ảnh: Đặng Dương).

PGS.TS Phạn Hữu Sy (thành viên đoàn công tác) cho rằng: "Hiện nay phần kết cấu bên dưới của công trình đã bị phá vỡ. Qua kiểm tra, các vết nứt vẫn đang mất ổn định và có nguy cơ sạt trượt tiếp nếu có mưa, chính vì thế Đắk Nông chưa nên tính toán đến việc sửa chữa ngay. Sau khi ổn định, tỉnh có thể dịch chuyển công trình sang vị trí khác để giảm chi phí đầu tư và bảo đảm tính bền vững".

Đắk Nông cần sớm công bố tình trạng khẩn cấp

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết có khoảng 1 triệu m3 đất trước nguy cơ sạt lở, trên diện tích khoảng 10ha.

Quả bom nước nguy cơ vỡ: Chỉ có 15 ngày để cứu - 5

Theo đánh giá của các chuyên gia, sạt lở và các vết nứt vẫn chưa ổn định (Ảnh: Đặng Dương).

Trước tình hình cấp bách hiện nay, Bộ NN&PTNT chỉ đạo tỉnh Đắk Nông hạ tải khu vực này; xả nhanh lượng nước hiện có trong lòng hồ... để bảm đảm an toàn cho hồ chứa và người dân sinh sống phía dưới hạ lưu.

Quả bom nước nguy cơ vỡ: Chỉ có 15 ngày để cứu - 6

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Đắk Nông sớm công bố tình huống khẩn cấp (Ảnh: Đặng Dương).

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, nhiệm vụ trước mắt của tỉnh Đắk nông là cần đảm bảo số lượng và chất lượng rừng, tôn trọng dòng chảy tự nhiên.

Ông Hiệp cũng cho rằng, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông và các Bộ, ngành liên quan cần hoàn thiện chi tiết bản đồ sạt lở trên toàn quốc, trong đó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và máy móc hiện đại để có dự báo chính xác. Bên cạnh đó, địa phương cần đánh giá toàn diện các công trình sạt lở, sạt trượt để có những cảnh báo cho người dân.

"Đối với các công trình xảy ra sự cố, chủ đầu tư chỉ có 15 ngày để "cứu" công trình này trước khi sẽ có thêm một đợt mưa rất to nữa vào cuối tháng 8. Tôi đề nghị tỉnh Đắk Nông cần công bố ngay tình trạng khẩn cấp về thiên tai để có các giải pháp ứng xử khẩn cấp", Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Quả bom nước nguy cơ vỡ: Chỉ có 15 ngày để cứu - 7

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chủ đầu tư có 15 ngày để "cứu" công trình với nhiều vết nứt xung quanh hồ (Ảnh: Đặng Dương).

Trước đó, hồ chứa nước Đắk N'Ting có dung tích khoảng 1,2 triệu m3 nước xuất hiện cung trượt lớn, kéo dài, gây dịch chuyển bề mặt cầu giao thông qua tràn, nứt gãy bê tông mái thượng, hạ lưu tràn.

Để bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã di dời hơn 170 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm.

Quả bom nước nguy cơ vỡ: Chỉ có 15 ngày để cứu - 8

Hồ chứa nước Đắk N'Ting có dung tích khoảng 1,2 triệu m3 nước hiện xuất hiện cung trượt lớn, kéo dài (Ảnh: Đặng Dương).

Trong khi đó, các vết nứt và sạt trượt tại quốc lộ 14 (đoạn qua TP Gia Nghĩa) và bon Bu Krắc và bon Bu Prăng (huyện Tuy Đức) tiếp tục mở rộng và kéo dài.