Pitbull điên cuồng cắn người: Nạn nhân thường bị thương rất nặng, thậm chí tử vong
(Dân trí) - Trong năm 2019, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị chó dữ tấn công, gây thương tích nặng nề, thậm chí đã có trường hợp người bệnh tử vong. Trong đó đa phần các nạn nhân bị loài chó Pitbull tấn công.
Là người trực tiếp thực hiện ca cấp cứu cho 4 bệnh nhân ở Thái Nguyên bị chó Pitbull tấn công vào ngày 27/12/2019, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Đào - Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết, các nạn nhân này đã nhập viện trong tình trạng thương tích rất nặng nề và phức tạp.
Trong năm 2019, phía bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị chó dữ tấn công. Các vết thương của bệnh nhân chủ yếu ở phần đầu, mặt, cổ, cánh tay, ngực. Khi nhập viện điều trị, người bị chó dữ tấn công thường có biểu hiện hoảng loạn, hoang mang và sợ hãi.
Về khuyến cáo của giới chuyên gia, theo Phó Trưởng khoa Cấp cứu, những gia đình có con nhỏ tốt nhất không nên nuôi loại động vật này. Đồng thời, mọi người không nên nuôi giống chó Pitbull vì đa phần người bệnh nhập viện là do giống chó này tấn công.
Đối với đia đình có nuôi chó cần phải tiêm phòng cho chó đầy đủ, rọ mõm chó khi thả rông và cách ly loài vật này với trẻ nhỏ. “Không nên nuôi giống chó Pitbull vì đa phần người bệnh nhập viện trong tình trạng rất nặng, thậm chí có nạn nhân đã tử vong là do giống chó này tấn công” - lãnh đạo khoa Cấp cứu khuyên nhủ.
Sơ cứu, điều trị không đúng cách dẫn đến hậu quả khôn lường
Đưa ra lời khuyên để ứng phó với tình huống bị chó tấn công, theo bác sĩ Đào, đối với người lớn cần nhanh chóng tránh ra chỗ an toàn, leo lên vị trí cao… Nếu không thể né tránh được, cần dùng vật dụng gần nhất để tự vệ hoặc dùng gậy đánh vào cẳng chân để làm giảm khả năng tấn công của con vật.
Với nhóm bệnh nhân là trẻ em, do sự phản kháng còn yếu ớt nên khi bị chó dữ tấn công thường rất khó đối phó.
Về biện pháp sơ cứu đối với những vết thương nhẹ, theo bác sĩ Đào, mọi người cần rửa ngay vết thương với xà phòng liên tục dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút.
“Sau đó, tiếp tục rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine (dung dịch sát trùng). Tuyệt đối không cố gắng nặn máu ở vị trí bị chó cắn. Khi sơ cứu vết thương chủ yếu là băng ép cầm máu nếu vết thương chảy máu nhiều, nhất là vết thương vào mạch máu lớn.
Sau đó, mọi người cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Người bệnh vẫn cần phải tiêm vacxin dại để hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể. Đồng thời, chủ nhân cần theo dõi vật nuôi trong 15 ngày.
“Nếu bị chó cắn gây thương tích nặng nề, ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu ngón tay hoặc bất kể vùng gần hệ thần kinh trung ương thì nạn nhân cần được đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất để để tiêm phòng dại” - bác sĩ Đào chia sẻ thêm.
Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cảnh báo, có nhiều người bị chó cắn nhưng chủ quan không tiêm phòng bệnh dại hoặc tiêm phòng không kịp thời đã dẫn đến tử vong.
Do thiếu hiểu biết nên một số người dân có suy nghĩ là bị chó dại cắn thì tìm đến thầy lang để lấy thuốc về uống. “Việc nhờ thầy lang kiểm tra là vô cùng sai lầm thậm trí gây nhiễm trùng dẫn đến tử vong. Do đó, an toàn nhất là đến kiểm tra tiêm phòng ở Trung tâm Y tế dự phòng tại địa phương” - Phó Trưởng khoa Cấp cứu cho hay.
Chủ nhân có thể bị xử lý hình sự nếu để chó cắn người thương vong
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - hệ thông pháp luật hiện hành đã có những quy định rất rõ ràng về quản lý nuôi chó.
Tại Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 yêu cầu, chủ nuôi chó phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác.
Trong Nghị định 90/2017/NĐ-CP đã quy định các mức phạt hành chính đối với trường hợp chủ nuôi không đeo rọ mõm, không xích giữ hoặc không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng thì bị phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định thêm, hành vi “Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã, nơi công cộng” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 – 300 nghìn đồng.
“Khi chó tấn công gây thương tích nặng nề, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” theo Điều 138 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất từ 1- 3 năm tù” – ông Hậu chia sẻ thêm.
Trong trường hợp nạn nhân bị chó cắn gây thương tích nặng nề dẫn đến tử vong, theo luật sư Hậu, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người", quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn nơi đông người”, theo Điều 295 của Bộ luật này.
“Trường hợp chó cắn chết 2 người, chủ vật nuôi có thể đối diện với hình phạt tù từ 3- 7 năm. Ngoài ra, họ còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự” - ông Hậu nêu quan điểm.
Nguyễn Trường