1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phương án xóa "điểm đen" kẹt xe của TPHCM

Tâm Linh

(Dân trí) - Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đến nay TPHCM có 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, gồm 18 điểm có từ năm 2022 và thêm 6 điểm phát sinh đầu năm 2023.

Nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông và hạn chế phát sinh thêm điểm ùn tắc, Sở GTVT đã đưa ra kế hoạch xử lý 24 "điểm đen" trên.

Trong năm 2023, TPHCM phấn đấu xóa được ít nhất một điểm nguy cơ kẹt xe tại khu vực cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu, huyện Bình Chánh.

Tại một số "điểm đen" kẹt xe không chuyển biến, Sở GTVT cũng có phương án cụ thể. Đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) ùn tắc trầm trọng nhiều năm qua sẽ được nghiên cứu hạn chế một số loại phương tiện lưu thông vào giờ cao điểm và mở rộng phần đường xe chạy trên cầu Tân Thuận 2 (nối quận 4 và 7).

Các tuyến đường cửa ngõ Tây Bắc thành phố và sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) sẽ được tính toán phân luồng, mở rộng, đặc biệt là tổ chức giao thông quanh khu vực dự án nhà ga T3, như đường Hoàng Hoa Thám, đường Tân Kỳ Tân Quý, tuyến nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa…

Điểm kẹt trên đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý) cũng được lắp dải phân cách di động để điều tiết, phân luồng thay vì tình trạng phương tiện đan xen chặn nhau dẫn đến ùn ứ như hiện nay.

Phương án xóa điểm đen kẹt xe của TPHCM - 1

Khu vực ngã 3 Bà Quẹo - góc đường Trường Chinh - Âu Cơ, quận Tân Bình kẹt xe triền miên (Ảnh: Nam Anh).

Còn rốn kẹt cửa ngõ Đông Bắc ở quanh ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) được nghiên cứu điều chỉnh thời gian và hướng lưu thông của ô tô vào đường Ung Văn Khiêm gồm việc cấm đỗ xe theo giờ, cấm ô tô từ đường D5 chạy ra; tạo vòng xoay lớn để tổ chức lưu thông một chiều tại khu vực giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng, tạo làn rẽ phải liên tục từ đường Đinh Bộ Lĩnh vào đường Bạch Đằng.

Sở GTVT đặt các giải pháp trọng tâm vào việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giải tỏa áp lực phương tiện: hầm chui tại nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), nút giao An Phú (TP Thủ Đức), đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình)… và đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), làm cầu vượt thép tại ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân).

Bên cạnh đó, Sở GTVT còn triển khai các giải pháp phi công trình như thường xuyên giám sát trực tiếp và qua camera; điều chỉnh phân luồng, điều tiết giao thông hợp lý; tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm; ứng dụng công nghệ trong quản lý để giải quyết hiệu quả các bất cập trên đường…

Phương án xóa điểm đen kẹt xe của TPHCM - 2

Ngoài các "điểm đen" nguy cơ ùn tắc giao thông được Sở GTVT liệt kê, TPHCM còn nhiều tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn ứ, ví dụ Xa lộ Hà Nội ở TP Thủ Đức trong ảnh (Ảnh: Trần Đạt).

Hiện, trong 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông ở TPHCM năm 2023, chỉ có 2 điểm chuyển biến tốt ở giao lộ quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) và giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (quận Gò Vấp).

8 "điểm đen" không chuyển biến: đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức); đường Nguyễn Tất Thành (quận 4); 3 điểm ở quận Tân Bình trên các đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý; 3 điểm ở quận Bình Thạnh trên các đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng và ngã tư Hàng Xanh.

Còn lại 14 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp là: khu vực đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1); vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình); 2 nút giao Mỹ Thủy, An Phú và ngã tư Tây Hòa (TP Thủ Đức); ngã tư Bốn Xã (nối quận Bình Tân và Tân Phú); giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (quận 7); đường Dương Bá Trạc - cầu Kênh Xáng (quận 8); giao lộ Vĩnh Lộc - Nguyễn Thị Tú - Quách Điêu (huyện Bình Chánh); đường Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn).

Trong 14 điểm trên có 4 điểm ùn tắc mới phát sinh từ năm 2022 là: giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh); giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp); giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng và khu vực cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh).