1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Phục hồi rừng dừa nước ven biển

(Dân trí) - Là vùng đệm quan trọng của khu sinh quyển Cù Lao Chàm, ngăn chặn quá trình sạt lở bờ biển, nhưng rừng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam) đang đối mặt với sự biến động lớn. Việc trồng và phục hồi rừng dừa trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Rừng dừa nước đang bị mất

Rừng dừa nước Cẩm Thanh có đầy đủ các điều kiện đặc trưng của rừng ngập mặn, là nơi hội tụ của ba con sông lớn: Thu Bồn, Trường Giang và Đế Võng. Đây còn là vùng đệm quan trọng của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, có tác dụng ngăn chặn quá trình sạt lở bờ biển, nguồn sinh kế dồi dào cho dân địa phương…

Rừng dừa nước Cẩm Thanh
Rừng dừa nước Cẩm Thanh

Những năm 90, vùng dừa nước rộng đến hàng trăm ha nhưng trải qua một thời kỳ dài dưới sự tác động của tự nhiên và con người, rừng dừa dần thu hẹp.

Năm 2009, xã Cẩm Thanh quy hoạch trồng mới rừng dừa nước nhằm phục vụ du lịch, nghề thủ công mỹ nghệ, song diện tích cũng chỉ được 10ha.

Gần đây, cùng với nhiều dự án dân sinh, cầu Cửa Đại, khu xử lý nước thải tập trung tại xã Cẩm Thanh… cùng với đó việc người dân lấn nền nhà ra vùng dừa để phục vụ thủ công mỹ nghệ, nuôi trồng thủy sản... khiến rừng dừa dần suy kiệt cả về số lượng và chất lượng.

Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết: “Bình thường, mỗi năm một cây chỉ khai thác 2 đợt nhưng có nhiều người khai thác đến 3 đợt, không giữ lại cây mẹ nuôi cây con. Hoặc nếu khai thác lá thì phải để lại 7-8 lá/cây nhưng có người chỉ để lại 2-3 lá/cây và toàn lá non, trong khi gốc rất lớn nhưng lá thì ít không đủ cho cây phát triển dễ chết cây. Chính quyền cũng đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền, tác động nhưng người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn Cẩm Thanh”.

​ Khách du lịch chèo thuyền thúng đi dạo trong vườn dừa
​ Khách du lịch chèo thuyền thúng đi dạo trong vườn dừa

Ngày trước, nếu không ươm trồng thì trái già tự rụng xuống nước cũng có thể tự mọc cây con, tự bổ sung cá thể tự nhiên. Nhưng người dân khai thác cạn kiệt, chưa có ý thức bảo tồn giống bản địa, khiến rừng khó tái sinh cây con, dẫn đến khan hiếm giống.

Theo ông Lê Ngọc Thảo, Trưởng ban thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, rừng dừa nước Cẩm Thanh là vùng đệm quan trọng, giúp kiểm soát chất lượng nước từ thượng nguồn đổ về, đóng vai trò như “máy lọc sinh học”, hạn chế ô nhiễm. Đây còn là trung tâm sinh sản của hầu hết các loại hải sản. Gắn liền với cuộc sống người dân, góp phần phát triển sinh kế, phát triển du lịch khai thác thủy, hải sản. Nó còn là bức bình phong bảo vệ làng nghề, đời sống người dân khi có bão.

Sự tồn tại của rừng dừa có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến bảo vệ chống xói mòn bờ biển. Tác động ổn định bờ biển khu vực lân cận, hệ sinh thái động vật trên cạn, đặc trưng là giống cò… Do đó, phát triển và duy trì hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh là việc làm thiết thực cho hiện tại và mai sau.

Tuy nhiên, số lượng dừa nước ở Cẩm Thanh đang dần mất đi và gặp nhiều biến động lớn. Sự phát triển, mọc lên ồ ạt của các công trình thủy điện phía thượng nguồn có thể ảnh hơn đến lưu lượng dòng chảy của hạ nguồn, nguồn thủy sinh vật, nhiều dự án mới nhòm ngó đến khu vực cồn cát gần rừng dừa…

Nếu mất rừng dừa hoặc số lượng giảm sút nghiêm trọng có thể ảnh hưởng lớn đến vùng lõi, lượng phù sa chảy về hạ lưu khi lũ lớn không có rừng dừa giữ lại có nguy cơ lan ra đến Cù Lao Chàm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái đáy biển, đặc biệt là rặng san hô bao quanh đảo.

“Với vai trò và yêu cầu của một vùng đệm, rừng dừa nước Cẩm Thanh còn lại quá ít so với tầm của khu sinh quyển. Cần phải duy trì rừng dừa ở mức tối thiểu cần thiết để thực hiện tốt chức năng vùng đệm. Việc phát triển du lịch, phát triển hạ tầng là đúng nhưng không nên tác động thô bạo đến thiên nhiên, dù ít hay nhiều nó có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất đi vẻ tự nhiên hoang sơ”, ông Lê Ngọc Thảo nói.

Dự án phục hồi và bảo vệ rừng dừa

Dự án “Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi và phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng” được đầu tư bằng nguồn vốn chương trình ứng phó biển đổi khí hậu (SP-RCC, giai đoạn 2015-2017 do sở NN&PTNT làm chủ đầu tư với kinh phí 28 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương.

Dừa nước được trồng mới dưới chân cầu Cửa Đại
Dừa nước được trồng mới dưới chân cầu Cửa Đại

Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống rừng ngập mặn ven biển TP Hội An bền vững, hình thành vành đai rừng phòng hộ bảo vệ cho hệ thống đê điều, xây dựng cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái ven sông, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và nước dâng của thành phố.

Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh - cho biết: “Khó khăn nhất là sự thiếu hụt về giống, thời gian trồng kéo dài do nước triều biến động, phải đợi nước xuống mới trồng được. Khâu bảo vệ, chăm sóc còn chưa tốt do ý thức người dân địa phương còn hạn chế, trong quá trình đánh bắt hải sản đã xâm hại tới vùng dừa non, tình trạng sóng biển, ca nô chạy cũng ảnh hưởng đến cây trồng. Song, tình trạng cũng không đáng lo ngại vì có hàng rào chắn bảo vệ, chỉ thời gian nữa cây con bám rễ thì sẽ phát triển tốt”.

“Hiện khâu bồi thường giải phóng mặt bằng cho 10 hộ, bồi thường cây cối cho khoảng 30 hộ, hỗ trợ sản xuất, con vật nuôi cho 10 hộ, chỉ còn lại việc thu hồi đất để tiếp tục khởi động hợp phần 2 sau tháng 6/2016”, ông Thanh nói.

N.Linh-C.Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm