1. Dòng sự kiện:
  2. Sập cầu Phong Châu
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Phú Yên kết thúc sớm kỳ họp HĐND để chống lũ

(Dân trí) - Trước tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Phú Yên khóa VII đã bế mạc sớm trước gần 1 ngày so với dự kiến để tập trung công tác chống lũ.

Ngày 16/12, đại diện Ban Thường vụ tỉnh Phú Yên cho biết, kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Phú Yên khóa VII đã bế mạc lúc 9h sáng cùng ngày, sớm gần 1 ngày trước so với dự kiến 4 ngày. Lý do, tỉnh này cần tập trung nhân lực để khẩn trương điều hành ứng phó tình hình mưa lũ kéo dài…

Công nhân đang nỗ lực khắc phục sự cố sạt lở ở đèo Cả qua địa phận tỉnh Phú Yên để sớm thông xe trên tuyến Bắc - Nam
Công nhân đang nỗ lực khắc phục sự cố sạt lở ở đèo Cả qua địa phận tỉnh Phú Yên để sớm thông xe trên tuyến Bắc - Nam

Ông Lương Mộng Sanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên cho biết: “Kỳ họp lần này phải rút gọn lại nhiều phần việc, kết thúc sớm trước gần 1 ngày. Lý do, cần phải tập trung nhân lực theo dõi, điều hành phòng chống thiệt hại do mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp tại địa phương.

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy PCTT&TKCN Phú Yên, đợt mưa lũ lớn liên tục trong 4 ngày qua tại tỉnh đã làm 6 người bị thương nặng do sạt lở đất và té ngã xuống dòng lũ. Các lực lượng đã tổ chức cứu hộ 5 địa điểm người dân bị kẹt lũ, di dời 600 hộ đến nơi an toàn, cứu vớt 1 tàu với 4 ngư dân bị sóng đánh chìm.

Mưa lũ trên diện rộng đang gây chìm ngập, chia cắt 17 xã, thị trấn của tỉnh Phú Yên. Trên 1.000ha lúa cùng nhiều hoa màu, vật nuôi bị trôi chết, mất mát nặng nề. Đường sắt, đường bộ huyết mạch quốc gia qua địa bàn liên tục bị sạt lở ách tắc do mưa lũ… Riêng đợt lũ này đã gây thiệt hại cho Phú Yên ước tính trên 35 tỷ đồng.

Ngày hôm nay (16/12), 4 thủy điện trên địa bàn Phú Yên vẫn tiếp tục xả lũ, mực nước các sông trong tỉnh đang ở mức báo động rủi ro thiên tai cấp 2 - 3.

Trong khi đó, do mưa lũ lớn tuyến QL 1 trên đèo Cả (giữa tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa) đã bị hàng trăm khối đất đá núi sạt đổ chắn ngang hàng chục mét tại km 1360-1361. Toàn bộ xe cộ đều phải “đứng bánh” nhiều cây số dọc đường đèo giữa triền miên mưa gió.

Hiện lực lượng cứu hộ vừa khắc phục xong đoạn này thì tiếp tục bị sạt lở phong tỏa đoạn đường khác.

Gia Lai: Gần 400ha cây trồng ngập lụt trong mùa khô

Ngày 14/12, UBND TX. Ayun Pa (Gia Lai) cho biết, đã có hơn 350ha cây trồng trên địa bàn thị xã đang bị ngập lụt.

Theo đó, mấy ngày nay trên địa bàn thị xã xảy ra mưa lớn liên tục, cộng với việc thủy điện An Khê- Ka Nak xả lũ khiến hơn 350ha cây trồng chủ yếu là mía, dưa, bắp… của nông dân ở các xã gồm Ia R’tô, Ia Sao, Ia Rbol, phường Đoàn Kết bị ngập nước.

Ông Trương Như Quảng- Chánh Văn phòng UBND TX. Ayun Pa cho biết, mưa lớn cộng với việc thủy điện xã lũ khiến cây trồng trên địa bàn có 150ha bị ngập do nước dâng và 200ha ngập do bị úng. Lực lượng vẫn đang tiến hành theo dõi sát sao tình hình mưa lũ để có phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Nhiều ha hoa màu của người dân đã bị nước nhấn chìm, nhìn như 1 dòng sông lớn
Nhiều ha hoa màu của người dân đã bị nước nhấn chìm, nhìn như 1 dòng sông lớn

Còn tại huyện Ia Pa, tại thôn Mơ Năng 2 (xã Kim Tân) có 4 con trâu chết do người dân nhốt lại trên diện tích rẫy bị ngập úng. Lực lượng chức năng của huyện đã lên các phương án sẵn sàng ứng phó với mưa lũ trước tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay.

Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Đặng Quang Khải- cán bộ Công ty Thủy điện An Khê- Ka Nak cho biết, đơn vị đã xả lũ đúng quy trình.

Theo người dân Gia Lai, theo quy luật thì tháng 12 hàng năm đã là mùa khô, mưa rất hiếm khi xuất hiện chứ đừng nói là mưa lớn gây ngập lụt, nhưng năm nay thời tiết đã thay đổi, không còn theo quy luật nữa.

Tuệ Mẫn

Doãn Công