Quảng Nam:
Phụ nữ “xách giỏ đi chợ”, nói không với rác thải nhựa
(Dân trí) - Hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 với chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, trong đó tập trung giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa, những ngày qua, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Nam đã có các hoạt động thiết thực, trong đó hoạt động “xách giỏ đi chợ” được thực hiện đồng loạt, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hoạt động hưởng ứng chiến dịch tập trung vào các nội dung: truyền thông, nâng cao nhận thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”.
Theo đó, kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động cắt giảm việc sử dụng bao bì sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy; tích cực triển khai các chương trình cụ thể về phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo...
Xách giỏ đi chợ
Theo các số liệu thống kê của tỉnh Quảng Nam, hiện mỗi ngày lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn hơn 1.120 tấn, nhưng năng lực thu gom, xử lý khoảng 610 tấn/ngày (chiếm hơn 50%).
Các vùng ven biển rác thải cũng rất nhiều
Nhiều điểm quy hoạch xử lý rác thải không còn phù hợp. Hai đô thị lớn là TP Tam Kỳ và Hội An, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 88-95%, trong khi đó khu vực nông thôn và miền núi chỉ đạt 35 - 42%. Việc lựa chọn vị trí xây dựng khu xử lý rác thải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường theo quy định rất khó khăn.
Thực tế không chỉ Đại Lộc mà nhiều bãi rác quy mô lớn như Tam Xuân 2 (Núi Thành), Cẩm Hà (Hội An)... cũng luôn trong tình trạng quá tải. Rác ùn ứ, nằm chất đống ven đường từ thành thị cho đến nông thôn khiến người dân rất bức xúc.
Từ đầu tháng 10/2019, hưởng ứng phát động của UBND tỉnh Quảng Nam, nhiều địa phương như Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên… đã tích cực thực hiện, tuyên truyền người dân “xách giỏ đi chợ” nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Người dân hưởng ứng “xách giỏ đi chợ”
Vừa qua, UBND xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã quyết định trích ngân sách 30 triệu đồng để mua giỏ xách đi chợ cấp cho người dân địa phương, nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Theo ông Lê Xuân Tới - Phó Chủ tịch xã Bình Minh, hơn 2 tháng qua là nỗi ám ảnh của chính quyền xã cũng như người dân khi lượng rác thải ứ đọng tại nhiều điểm trung chuyển ở địa phương lên đến 200 tấn. Trong đó, phần lớn là rác thải khó phân hủy như nilon, đồ nhựa.
“Trong khi chưa có cách giải quyết tình trạng rác ứ đọng, UBND xã đã họp và trước mắt chọn giải pháp phát động nhân dân trên địa bàn hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. Triển khai phương án này, địa phương quyết định trích nguồn kinh phí khoảng 30 triệu đồng để mua giỏ xách, hộp đựng thực phẩm để hỗ trợ, cấp phát cho người dân. Xã cũng đã xây dựng các chương trình phát thanh tuyên truyền cho người dân hưởng ứng, chung tay bảo vệ môi trường”, ông Tới nói.
Chợ phiên Hội An là địa chỉ xanh, nói không với túi nilon
Tại xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên), chương trình “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa chỉ dùng một lần” đã tặng cán bộ, hội viên nông dân và phụ nữ 270 chiếc túi xách thân thiện với môi trường cùng bộ hộp nhựa để mang đi chợ; tặng 270 chiếc bình thủy tinh đựng nước uống cho nhân dân dùng trong sinh hoạt và mang đi làm.
Tại các phường, xã thuộc thị xã Điện Bàn cũng đã thực hiện phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân về giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với túi nilon, đồng thời phát giỏ xách nhựa cho người dân để mang đi chợ. Kêu gọi chị em tiểu thương, nhân dân tại địa phương sử dụng sách báo, lá chuối thay thế túi nilon khi đi chợ.
Bên cạnh đó, còn nhiều điểm sáng về giảm thiểu rác thải nhựa, mà điển hình là huyện Tiên Phước. Tuyến đường ĐH1 Tiên Phong - Tiên Mỹ dài hơn 10km có hàng chục điểm thu gom rác thải. Chính quyền thực hiện vận động, hướng dẫn người dân xử lý rác tại nguồn, để đúng nơi quy định tránh gây ô nhiễm. Cán bộ công chức làm gương, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Phổ biến đến các trường học, cơ quan hành chính. Đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, dùng giỏ xách để đi chợ không mang túi nilon về nhà….
Huyện Tây Giang cũng phát động phong trào “Phòng chống rác thải nhựa” nhằm chung tay thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, nhất là tại các khu dịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.
Theo Bí Thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc, cách làm của Tây Giang trong chiến dịch này là chú trọng tuyên truyền, vận động nhằm hạn chế, rồi thay thế và tiến đến loại bỏ hoàn toàn đồ dùng bằng nhựa.
TP Hội An là địa phương đi đầu của tỉnh Quảng Nam về nâng cao ý thức người dân, góp phần nói không với túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhiều chiến dịch, hoạt động được đưa ra để xây dựng thành phố du lịch văn minh-văn hóa-sạch đẹp.
Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đến cuối tháng 6/2019, có hơn 100 nhà hàng, khách sạn, homestay ở Hội An cam kết giảm thiểu rác thải nhựa, hình thành một “bản đồ” các điểm dịch vụ, lưu trú sinh thái. Có thể thấy, bước đầu đã có một “làn sóng” giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, tạo ra những hiệu ứng lớn để kích thích cộng đồng doanh nghiệp chung tay tạo ra “con sóng” lớn.
Vừa qua, Hội An cũng đã xây dựng ấn phẩm du lịch không rác thải nhựa để thông tin tổng quan đến du khách những điểm đến thân thiện ở đô thị cổ đã “tẩy chay” rác thải nhựa.
Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm cũng đã có nhiều hoạt động nói không với túi ni-lon, ống hút nhựa, người dân được khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, xách giỏ đi chợ; du khách đến đảo cũng không được mang túi ni-lon hay sản phẩm nhựa dùng một lần…góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển đảo.
Ông Michael Croft - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã phát biểu: “Những sáng kiến để giảm thiểu tác động từ rác thải nhựa đến môi trường du lịch là mục tiêu và ưu tiên chung của tất cả chúng ta chứ không riêng gì vì lợi ích của khách du lịch. Đó còn là lợi ích của cộng đồng, của môi trường và cả thế hệ tương lai của chúng ta”.
Cần sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền và người dân
Theo ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Trong đó, cùng với công tác truyền thông đến cộng đồng, là phải tạo ra sản phẩm thay thế để đến tận tay người tiêu dùng... Hình ảnh từ các cuộc họp ở những cơ quan công quyền không dùng chai nhựa đựng nước uống, đã thật sự tạo nên dấu ấn về một quyết tâm “chống rác thải nhựa”...
Những ngày qua, ngoài việc dùng giỏ nhựa để đi chợ, các tiểu thương còn được triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn... Ai cũng muốn môi trường sống trong lành, nhưng trước khi đòi hỏi nơi chốn mình sống thay đổi tốt đẹp hơn, hãy đổi thay từ chính mình.
Thông điệp này được nhiều chị em phụ nữ biến thành hành động, bằng những chiếc giỏ mây, giỏ cói hay giỏ nhựa có thể xài bền bỉ 5, 10 năm... thay cho bao món đồ nhựa mỗi ngày. Từ chuyện nhỏ như cái giỏ đi chợ của mỗi người phụ nữ, thành một chuyện lớn của xã hội rằng hạn chế dần rác thải nhựa...
Việc giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với túi nilon là một “hành trình dài” cần sự chung tay quyết liệt của cả chính quyền và người dân.
C.Bính-N.Linh