1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phụ huynh đi xe máy chở trẻ nhỏ vẫn vô tư vượt đèn đỏ ở Hà Nội

Trần Thanh Quân Đỗ Minh Hoàng

(Dân trí) - Theo ghi nhận của PV Dân trí, sau giờ tan học buổi chiều, hàng loạt phụ huynh, người lớn đi xe máy chở trẻ nhỏ vô tư vượt đèn đỏ tại các nút giao ở Hà Nội, bất chấp nguy hiểm.

Người lớn chở trẻ nhỏ… vẫn vô tư vượt đèn đỏ

Ghi nhận của nhóm PV Dân trí, vào giờ các khung giờ cao điểm tại nhiều nút giao, ngã ba, ngã tư ở Hà Nội, tình trạng người tham gia giao thông bất chấp nguy hiểm để vượt đèn đỏ, diễn ra một cách thường xuyên, thậm chí không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT đang làm nhiệm vụ.

Theo ghi nhận, chiều 22/2, tại một số nút giao ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), không ít phụ huynh, người lớn đi xe máy mặc dù đang chở theo con nhỏ những vẫn vô tư vượt đèn đỏ.

Phụ huynh đi xe máy chở trẻ nhỏ vẫn vô tư vượt đèn đỏ ở Hà Nội - 1

Hàng loạt phụ huynh, người lớn đi xe máy dù đang chở theo con nhỏ nhưng vẫn vô tư vượt đèn đỏ tại ngã tư Trung Hòa - Lưu Quang Vũ (Ảnh: Quân Đỗ).

Cụ thể, lúc 16h45 tại nút giao Trung Kính - Vũ Phạm Hàm, trong khi đèn tín hiệu giao thông đang hiện màu đỏ, vẫn còn 14 giây, tuy nhiên đã có tới 5 xe máy vượt đèn đỏ. Trong số 5 xe này, có tới 4 xe máy là do các phụ huynh, người lớn chở theo học sinh, con nhỏ phía sau.

Tiếp đó, tại nút giao Trung Hòa - Lưu Quang Vũ, một trường hợp phụ huynh điều khiển xe máy chở cháu nhỏ, phóng xe máy băng qua ngã tư bất chấp đèn đỏ. Đáng nói, phụ huynh này không đội mũ bảo hiểm và cháu nhỏ ngồi phía sau cũng không mang mũ bảo hiểm.

Phụ huynh đi xe máy chở trẻ nhỏ vẫn vô tư vượt đèn đỏ ở Hà Nội - 2

Hàng loạt phụ huynh, người lớn điều khiển xe máy chở trẻ nhỏ đi vào đường cấm (đường một chiều) tại ngã tư Giang Văn Minh - Cát Linh - Giảng Võ (Ảnh: Tiến Dũng).

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng người dân tham gia giao thông vượt đèn đỏ diễn ra khá phổ biến trên nhiều nút giao, tuyến phố. Bên cạnh đó, có khá nhiều trường hợp người lớn đi xe máy dù đang chở trẻ nhỏ nhưng cố tình đi vào đường cấm (đường một chiều) tại các nút giao, ngã tư ở Hà Nội, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Phụ huynh đi xe máy chở trẻ nhỏ vẫn vô tư đi vào đường cấm (Video: Minh Hoàng - Quân Đỗ - Trần Phương).

Cụ thể, theo ghi nhận của PV trong khoảng một tiếng đồng hồ (từ 17h - 18h) ngày 27/2, đã có hàng trăm xe máy đi vào đường cấm (một chiều) hướng từ phố Giang Văn Minh qua ngã tư Cát Linh - Giảng Võ, trong đó có rất nhiều trường hợp phụ huynh đèo con nhỏ phía sau.

Khi phóng viên tiếp cận một số trường hợp người lớn chở theo trẻ nhỏ đi vào đường một chiều về lý do vi phạm này, đa số người lớn đều trả lời có nhận thức được hành vi vi phạm luật giao thông của mình. Tuy nhiên, toàn bộ những người được hỏi đều không trả lời về việc hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho con em mình ngồi phía sau.

Có trường hợp đi vào đường một chiều khi được phóng viên hỏi lập tức quay đầu xe trở lại để đi đúng làn đường quy định.

Phụ huynh đi xe máy chở trẻ nhỏ vẫn vô tư vượt đèn đỏ ở Hà Nội - 3

Một số trường hợp phụ huynh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở con nhỏ đi vào đường cấm (Ảnh: Tiến Dũng).

Hàng vạn lý do khi vượt đèn đỏ

Ghi nhận tại nút giao Phạm Hùng - Trần Duy Hưng trong khung giờ cao điểm buổi sáng, hàng loạt người điều khiển xe máy ngang nhiên vượt đèn đỏ.

Phụ huynh đi xe máy chở trẻ nhỏ vẫn vô tư vượt đèn đỏ ở Hà Nội - 4

Tổ công tác Đội CSGT số 6 làm nhiệm vụ tại nút giao Phạm Hùng - Trần Duy Hưng, Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh).

Tại nút giao Phạm Hùng - Trần Duy Hưng, tổ công tác Đội CSGT số 6 gồm 3 cán bộ có mặt từ sớm để phân luồng, điều tiết giao thông. Tại đây, tổ công tác đã xử lý, lập biên bản một số trường hợp vi phạm.

Cụ thể, lúc 7h30 sáng 21/2, tổ công tác dừng xe một trường hợp vượt đèn đỏ khi qua nút giao. Tại chốt giao thông, danh tính người vi phạm được làm rõ là P.Đ.M. (23 tuổi, ở Lào Cai).

Qua kiểm tra, CSGT phát hiện anh M. không có giấy phép lái xe, tổ CSGT đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông.

Với lỗi kể trên, anh M. sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài ra với lỗi không có giấy phép lái xe, anh M. sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng và tạm giữ xe đến 7 ngày.

Anh M. cho biết do buổi sáng đi làm sợ muộn giờ nên đã cố tình lái xe vượt đèn đỏ. Anh M. tỏ ra ân hận về hành vi của mình và cam kết về sau sẽ không tái phạm.

Tiếp đó, tại ngã tư Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám, trong khoảng từ 8h-8h30, PV ghi nhận hàng chục lượt phương tiện đi xe máy vượt đèn đỏ qua ngã tư. Đáng chú ý, các trường hợp này lại chủ yếu là phụ nữ, một số ít khác là xe ôm công nghệ và có cả người trung tuổi.

Cụ thể, lúc 8h19, tổ công tác Đội CSGT số 6 tiến hành dừng 2 trường hợp xe máy có hành vi vượt đèn đỏ qua ngã tư Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng (hướng từ Phạm Hùng đi Trần Duy Hưng).

Tại chốt làm việc, danh tính 2 người vi phạm được xác định là N.T.G. (23 tuổi) và L.M.H. (28 tuổi). Biện minh cho hành vi vượt đèn đỏ của mình, chị H. cho biết, do đường đang tắc mà chị này lại sắp bị muộn giờ làm nên đã vượt đèn đỏ để cho kịp giờ tới cơ quan.

Còn chị G. cho biết, mặc dù biết vượt đèn đỏ là nguy hiểm nhưng do không để ý nên đã "vô tình" vi phạm. Sau khi được lực lượng CSGT nhắc nhở, G. cho hay trong thời gian tới sẽ nghiêm chỉnh chấp hành luật an toàn giao thông.

Cũng trong ngày 21/2, theo ghi nhận của phóng viên tại nút giao Kim Đồng - Giải Phóng (hướng đi Ngọc Hồi), hàng loạt người đi xe máy vượt đèn đỏ khi đồng hồ cột đèn còn 20 giây.

Lúc 15h28, tổ công tác Đội CSGT số 14 đã tiến hành dừng xe một trường hợp vượt đèn đỏ tại ngã tư này.

Tại chốt làm việc, danh tính lái xe vi phạm được làm rõ là chị N.T.H.N. (30 tuổi). Biện minh cho hành vi vi phạm của mình, chị N. cho biết do con đang bị ốm trong viện, trong lúc trở về nhà để lấy đồ thấy đường vắng vẻ, cộng với sự gấp gáp nên chị này đã vượt đèn đỏ.

Trao đổi với PV Dân trí, Trung úy Nguyễn Trung Hiếu - cán bộ Đội CSGT số 6 cho biết, tình trạng người dân vượt đèn đỏ trên địa bàn TP Hà Nội nói chung và tại địa bàn đội quản lý nói riêng, thường xuyên diễn ra, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm.

Theo Trung úy Hiếu, vào các giờ cao điểm, người dân sẽ có tâm lý vội đi làm, đưa đón con cái đi học… chính vì vậy họ sẽ chọn phương án vượt đèn đỏ để di chuyển nhanh hơn.

"Trong thời gian qua, Đội CSGT số 6 đã có những phương án để xử lý các trường hợp vi phạm vượt đèn đỏ. Ngoài ra, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã triển khai, phối hợp với tất cả các đội địa bàn, và bên trung tâm tín hiệu đèn để triển khai phạt nguội với xe ô tô, phối hợp xử lý qua hình ảnh hàng ngày", vị cán bộ Đội CSGT số 6 nói thêm.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với từng loại phương tiện được quy định như sau:

Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) là từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô là từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; Đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; từ 2 đến 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng; từ 2 đến 4 tháng nếu gây tai nạn.

Theo luật sư Bình, hệ thống đèn tín hiệu giao thông được xây dựng với mục đích điều tiết giao thông ở những nơi có mật độ tham gia giao thông lớn. Đây là một thiết bị vô cùng quan trọng khi vừa giảm thiểu đáng kể sự ùn tắc giờ cao điểm mà hơn hết còn đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Vì vậy, việc tuân thủ hiệu lệnh đèn báo hiệu giao thông là trách nhiệm của công dân đối với xã hội, ngoài ra còn thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi người.

"Một trong những yếu tố quan trọng để giảm thiểu tai nạn giao thông là ý thức của người dân, khi tham gia giao thông thì người dân phải tuyệt đối tuân thủ theo pháp luật để tránh những trường hợp không may xảy ra, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng sức khỏe của con người", luật sư Bình nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm