Vĩnh Phúc:

Phòng ngừa trẻ em bị đuối nước, điện giật, rơi, ngã

Thế Kha

(Dân trí) - Dạy bơi miễn phí cho trẻ em trong thời gian học sinh nghỉ hè; triển khai nhân rộng mô hình "Ngôi nhà an toàn", "Trường học an toàn", "Cộng đồng an toàn" phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có công văn yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em trên địa bàn.

Theo đó, trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 20 trường hợp trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, chủ yếu do đuối nước 18 trường hợp và điện giật 2 trường hợp.

Cụ thể, huyện Tam Dương 4 trường hợp đuối nước, huyện Sông Lô 4 trường hợp, huyện Vĩnh Tường 3 trường hợp, huyện Bình Xuyên 3 trường hợp, thành phố Vĩnh Yên 2 trường hợp, thành phố Phúc Yên 1 trường hợp đuối nước và 1 trường hợp bị điện giật, huyện Lập Thạch 1 trường hợp đuối nước và 1 trường hợp bị điện giật.

Phòng ngừa trẻ em bị đuối nước, điện giật, rơi, ngã - 1
Ngày 6/3 vừa qua người dân phát hiện thi thể hai cháu Trần Tiến Đ. (7 tuổi) và Trần Hoài A. (4 tuổi), ở thôn Hữu Nghĩa, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa dưới hố nước chôn cột điện, cách nhà 500m (Ảnh minh họa).

Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị đuối nước, điện giật, rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.

Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng. Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.

Đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là phòng chống đuối nước, điện giật, rơi, ngã từ nhà cao tầng đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em.

"Tích cực triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn theo Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em"- Công văn nêu rõ.

Sở LĐ-TBXH tỉnh Vĩnh Phúc được giao xây dựng các văn bản hướng dẫn phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Tổ chức hội nghị truyền thông trực tiếp cho trẻ em tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, cộng tác viên, tình nguyện viên và các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ em về kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, phòng ngừa đuối nước, rơi, ngã … cho trẻ em.

Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại các địa phương trong thời gian học sinh nghỉ hè. Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình "Ngôi nhà an toàn", "Trường học an toàn", Cộng đồng an toàn" phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Triển khai có hiệu quả Tháng hành động vì trẻ em, tuyên truyền, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt là thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão.

Hội Cựu Chiến binh Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TBXH và Xã hội và các cơ quan liên quan rà soát các địa bàn dân cư để tổng hợp danh sách các ao, hồ, hố nước sâu, bãi tắm, vùng nước… thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ tai nạn đuối nước. Bổ sung, lắp mới các rào chắn và các biển cảnh báo những nơi nguy hiểm về tai nạn đuối nước, giúp nhân dân và thanh thiếu nhi có ý thức phòng tránh.