1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ thêm tố cáo xâm hại rừng đặc dụng khai thác vàng

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp thu, làm rõ ý kiến của các bộ ngành liên quan đến tố cáo xâm hại rừng đặc dụng Thần Sa để khai thác vàng sa khoáng và xây dựng công trình trái phép.

Ngoài yêu cầu trên, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng phải làm rõ thêm thông tin về việc bán 3 cơ sở nhà đất tại trung tâm TP Thái Nguyên.

Sau khi nhận được văn bản này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản giao Thanh tra tỉnh Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), UBND huyện Võ Nhai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng; tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4/2019.

rung-dac-dung-than-sa-1537245475075437132675.jpg

Rừng đặc dụng Thần Sa (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đang bị xâm hại bởi hoạt động khai thác vàng sa khoáng (Ảnh: V.H)

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xung quanh những nội dung tố cáo chính danh về việc phá rừng đặc dụng Thần Sa để khai thác vàng sa khoáng suốt thời gian dài, gây bức xúc dư luận địa phương. Tuy nhiên một số bộ ngành liên quan đã có ý kiến đề nghị tỉnh Thái Nguyên phải làm rõ thêm nhiều vấn đề.

Trong đó, tỉnh Thái Nguyên phải làm rõ nội dung tố cáo là đúng, đúng một phần hay tố cáo sai; kết luận hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (nếu có); nguyên nhân, trách nhiệm của người bị tố cáo, tổ chức và cá nhân có liên quan trong những nội dung tố cáo có đúng hoặc đúng một phần?

Đáng chú ý, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng phải làm rõ trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất, trụ sở UBND phường Phan Đình Phùng, trụ sở Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, việc bán tài sản công thông qua hình thức đấu giá và giải pháp đảm bảo việc sử dụng những tài sản này theo quy định của pháp luật.

Như Dân trí phản ánh trước đó, đoàn cơ quan liên ngành tỉnh Thái Nguyên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên chủ trì đã đưa ra những kết luận: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long xây dựng khu vực văn phòng trên diện tích 1,67 ha, đồng thời xây dựng một khu tâm linh gồm đình, đền, chùa Bản Ná với diện tích khoảng 0,12 ha.

Công ty này đã tự ý mua bán, chuyển nhượng nhà đất của 4 hộ dân, hiện tại cũng chưa có hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác.

Đặc biệt, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện trong quá trình khai thác Công ty Thăng Long đã đổ thải (phế liệu từ hoạt động khai thác vàng) ra ngoài phạm vi cấp phép khai thác mỏ lên diện tích rừng khoảng 5,78ha, trong đó có 5,30 ha là rừng đặc dụng, còn lại là quy hoạch các loại rừng khác.

Báo cáo mới nhất của đoàn liên ngành thể hiện diện tích bị xâm hại tổng cộng khoảng 12,25 ha, trong đó có hơn 11 ha rừng đặc dụng.

Thế Kha