Phó Thủ tướng: Thanh tra các quy hoạch nghi điều chỉnh chạy theo nhà đầu tư

(Dân trí) - Trả lời về tình trạng điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện ở các đô thị hiện nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu thực tế, dư luận xã hội, cử tri và đại biểu đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tuỳ tiện: nâng tầng cao, nâng mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng…

Phó Thủ tướng: Thanh tra các quy hoạch nghi điều chỉnh chạy theo nhà đầu tư - 1

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 4/6 - sáng 5/6 (ảnh: Minh Thu)

Phó Thủ tướng "tiếp lửa" Bộ trưởng Xây dựng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham gia ý kiến về nội dung chất vấn Bộ trưởng Xây dựng.

Về tình trạng điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện ở các đô thị hiện nay, Phó Thủ tướng lý giải, điều chỉnh quy hoạch là một nội dung, một nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch và trong quá trình thực hiện quy hoạch. Điều chỉnh quy hoạch là do những yêu cầu khách quan và chủ quan của các chủ thể liên quan đến hoạt động quy hoạch gồm: Điều chỉnh quy hoạch do Nhà nước yêu cầu; Điều chỉnh quy hoạch do người dân yêu cầu; Điều chỉnh quy hoạch do Nhà đầu tư yêu cầu. Nhưng dư luận xã hội, cử tri và đại biểu đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tuỳ tiện: nâng tầng cao, nâng mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng… gây quá tải lên hệ thống hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Biện pháp khắc phục, theo Phó Thủ tướng là cần yêu cầu các địa phương cho thanh tra, kiểm tra rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh, xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh tuỳ tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch và không đảm bảo theo đúng quy định pháp luật; Cho dừng thực hiện với các quy hoạch điều chỉnh vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn đang thực hiện hoặc chưa thực hiện; Có giải pháp đầu tư hạ tầng để đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số; Xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm.

Phó Thủ tướng: Thanh tra các quy hoạch nghi điều chỉnh chạy theo nhà đầu tư - 2

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng "tiếp lửa" trong phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng. (Ảnh: Minh Thu)

Về việc khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo, theo Phó Thủ tướng, tình trạng quy hoạch treo, dự án treo đang diễn ra ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân và làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng này là do chất lượng của quy hoạch thấp, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ kế hoạch; Quy hoạch nhu cầu sử dụng đất vượt quá khả năng đáp ứng của các nguồn lực. Mặt khác, công tác lập quy hoạch chưa gắn với việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch nhằm xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp với từng giai đoạn của quy hoạch để từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong thời hạn chưa thực hiện quy hoạch nhằm sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả.

Cũng do công tác quản lý thực hiện quy hoạch thiếu kế hoạch dẫn đến có tình trạng cấp phép dự án theo phong trào không phù hợp với nhu cầu của thị trường về các sản phẩm bất động sản. Nếu thực hiện tất cả các dự án đã cấp phép sẽ dẫn đến dư thừa sản phẩm, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Nhưng nếu hạn chế xây dựng thì sẽ xảy ra tình trạng dự án treo. Cùng với đó việc lựa chọn các nhà đầu tư thiếu năng lực về tài chính cũng là nguyên nhân dẫn đến dự án treo.

Để khắc phục vấn đề này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết phải tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch. Muốn vậy phải có cơ chế để lựa chọn được các nhà tư vấn giỏi, có kinh nghiệm lập quy hoạch. Thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin về quy hoạch, công khai quy hoạch và lắng nghe ý kiến người dân trong việc lập quy hoạch cũng như trong điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Phải gắn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, phải xác định cơ cấu các sản phẩm bất động sản hợp lý. Đặc biệt phải chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp để đáp ứng yêu cầu cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách, cho người nghèo, cho người thu nhập thấp.

“Đây là một nhân tố đảm bảo sử dụng đất đai hợp lý hiệu quả cũng là nhân tố đảm bảo cho thị trường bất động sản bền vững” – ông Dũng nhấn mạnh "phải lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực hiện đúng quy định".

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện quy hoạch, phát hiện những bất cập xử lý kịp thời các vi phạm như: thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định do lỗi của nhà đầu tư; Xử lý trách nhiệm các cán bộ quản lý gây ách tắc đến tiến độ, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng: Thanh tra các quy hoạch nghi điều chỉnh chạy theo nhà đầu tư - 3

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5/6 (Ảnh: Minh Thu)

Về việc khống chế sức ép dân số gia tăng tại các đô thị, Phó Thủ tướng nói, Hà Nội, TPHCM mỗi năm dân số tăng cơ học là 2%, tức mỗi năm có thêm 200.000 người, sau một vài năm là dân số bằng 1 đô thị lớn. Từ đó, việc này gây áp lực lớn tới hạ tầng giao thông, hạ tầng trường học, cơ sở y tế… Vậy nên nhiệm vụ trước mắt là phải kiểm soát chặt chẽ việc nhà cao tầng tại đô thị để tiếp tục chất tải lên các khu vực.

Về lâu dài, cần xây dựng những đô thị vệ tinh để giãn dân. Mới đây, Hà Nội đã có chủ trương nghiên cứu xây dựng đô thị ở phía bắc sông Hồng để kéo giãn dân ra khỏi nội đô. Còn việc di dời các cơ sở khỏi nội thành Hà Nội, theo Phó Thủ tướng là việc rất khó khăn, nhất là bố trí quỹ đất di dời, cần xử lý dần.

Dài hạn cần xây dựng chiến lược đô thị quốc gia, đô thị vùng gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống để giữ chân người dân ở những khu vực này, tránh đổ tiếp về Hà Nội, TPHCM.

Về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án số 8B Lê Trực, Phó Thủ tướng nhận xét, Bộ trưởng Xây dựng đã trả lời rất rõ, cả về trách nhiệm, thẩm quyền. Phó Thủ tướng nhận định, vụ việc này thuộc trách nhiệm của UBND Hà Nội. Nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND thành phố xử lý sai phạm của công trình. Hà Nội đã tập trung xử lý nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng cùng với các cơ quan liên quan phối hợp với Hà Nội xử lý dứt điểm những sai phạm trong xây dựng công trình, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân và đúng quy định pháp luật. Trong quá trình xử lý cũng như trong quá trình xây dựng công trình, bảo đảm không gian kiến trúc cảnh quan khu vực. Cùng với đó đề nghị UBND Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra xử lý việc vi phạm khu nhà ở dứt điểm theo đúng quy định pháp luật đảm bảo quyền lợi của cư dân trong khu nhà này.

Lập danh sách doanh nghiệp "đen" để người dân giám sát

Chưa thấy thoả đáng với câu trả lời về trách nhiệm của Bộ quản lý nhà nước, đại biểu Phạm Tất Thắng lấy ví dụ, dọc đường Nguyễn Đức Cảnh (TPHCM) mọc lên rất nhiều nhà cao tầng, “bóp nghẹt” cả tuyến đường, gây sức ép lớn, tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông.

Đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) nhắc lại thông tin Bộ trưởng Xây dựng đã nói sẽ sớm cho thanh tra chuyên đề về việc điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện dẫn đến bức xúc với đô thị, với xã hội. Ông Thắng đề nghị, từ sau kỳ họp này cho đến kỳ họp Quốc hội sau (tháng 10 năm nay), Bộ trưởng Xây dựng chỉ đạo thanh tra ngay để có kết quả báo cáo Quốc hội. Đại biểu Quốc hội sẽ tham gia giám sát hoạt động này của Bộ.

Đại biểu cũng đề xuất, với những chủ đầu tư bị phát hiện, kết luận sai phạm, “lắt léo”, Bộ Xây dựng cần có biện pháp chặn họ tiếp tục hoạt động trên thị trường như lập danh mục những doanh nghiệp “đen” để người dân giám sát, lựa chọn, không mua sản phẩm của nhà đầu tư đó nữa...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng bày tỏ không hài lòng với câu trả lời về khu du lịch tâm linh. Ông phân tích, vấn đề khiến dư luận cử tri bức xúc mà nhiều báo chí đã nêu là về sự nhập nhằng giữa công và tư của những khu chùa chiền “khủng” này. Nhiều tờ báo đã nêu thông tin phản ánh “nghèo thì không đi chùa được đâu”. Đại biểu cũng chỉ ra nghịch lý, chiểu theo luật đầu tư công thì quy trình quản lý rất chặt, như quy mô sử dụng đất hơn 500ha trở lên, giải toả 20.000 dân trở lên sẽ phải trải qua quá trình thẩm định, lấy ý kiến gắt gao. Nhưng đây là những dự án sử dụng nguồn lực công (đất đai, giải phóng hạ tầng) nhưng lại do tư nhân sử dụng, khai thác.

Đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ tán đồng với đại biểu Nghĩa. Ông đặt câu hỏi, quy định pháp luật có cho phép làm những khu vực cả ngàn hecta làm du lịch tâm linh không? Trên thế giới có nước nào làm như Việt Nam không?

Những câu hỏi này sẽ được Bộ trưởng Xây dựng trả lời tiếp bằng văn bản vì thời lượng cho phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng không còn.

Phó Thủ tướng: Thanh tra các quy hoạch nghi điều chỉnh chạy theo nhà đầu tư - 4

Ảnh: Minh Thu

Nếu thay đổi quy hoạch chung, Hà Nội, TPHCM phải xin ý kiến Thủ tướng

8h sáng 5/6, trả lời câu hỏi về việc cao ốc trên 25 tầng vẫn mọc trong nội đô Hà Nội dù để làm những dự án đó cần có ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà giải thích, quy hoạch, giấy phép quy hoạch là do địa phương quy định. Vậy nên nếu các công trình xây dựng không phù hợp với quy chế chiều cao công trình, không phù hợp với quy hoạch chung thủ đô đã được phê duyệt thì là vi phạm quy định và đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Trả lời tiếp tục câu hỏi của đại biểu Minh Đức về việc nhiều dự án tại Hà Nội, TPHCM được điều chỉnh quy hoạch, thiết kế, nâng diện tích từ 26-40%, nâng tầng cao từ 22, 23 lên trên 30 tầng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, Hà Nội, TPHCM phải điều chỉnh chiều cao các công trình theo quy định trong quy hoạch chung 2 thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt. Trường hợp cần thiết, phải thay đổi so với quy hoạch chung thì cần báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng.

Về vấn đề người nước ngoài “núp bóng” người Việt mua nhà, Bộ trưởng Xây dựng lập luận, theo quy định, người nước ngoài hiện đã được phép mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam. Luật cũng quy định về những khu vực nhạy cảm cần có sự điều tiết, quản lý, khống chế tỷ lệ nhà sở hữu của người nước ngoài. Tuy nhiên, luật không cho phép người Việt nam đứng tên mua nhà giúp người nước ngoài.

Dù vậy, thực tế, theo báo cáo của Bộ Công an, vẫn có những trường hợp này nhưng cơ quan chức năng chưa nắm được số liệu cụ thể. Nguyên tắc là các địa phương cần phải nắm được số lượng người nước ngoài ở cơ sở, nhu cầu nhà ở để tính toán cho phù hợp.

Về nhà 8B Lê Trực, Bộ trưởng Hà cho biết, theo thông tin Bộ Xây dựng nhận được, thời gian vừa qua, UBND Hà Nội, theo thẩm quyền, đã chỉ đạo xử lý những vi phạm của toà nhà 8B Lê Trực. Giai đoạn 1, đã phá dỡ xong phần tum và tầng 19 của công trình. Giai đoạn 2 đang tính phương án phá dỡ phần dọc nhưng gặp vướng mắc vì liên quan đến kết cấu, khả năng chịu lực của công trình. Phương án cuối cùng hiện chưa được quyết định.

Trong quá trình xử lý, Bộ Xây dựng, cụ thể là Cục Giám định công trình đã phối hợp chặt chẽ, cho ý kiến, cùng thẩm định các phương án. Thời gian tới, nếu Hà Nội có nhu cầu, Bộ Xây dựng sẵn sàng tiếp tục phối hợp thực hiện.

Với câu hỏi về việc khu du lịch tâm linh sử dụng hàng ngàn hecta đất, Bộ trưởng Xây dựng nhắc lại nội dung đã trao đổi trước đó: việc xây dựng các khu du lịch, du lịch tâm linh được quy định bởi nhiều văn bản luật như luật đất đai, luật du lịch, luật xây dựng, luật đầu tư, luật tín ngưỡng tôn giáo…

Luật du lịch quy định dự án cần lập quy hoạch sử dụng đất đai tại địa phương. Luật tín ngưỡng tôn giáo quy định việc cải tạo, xây dựng mới cơ sở tôn giáo phải tuân thủ luật xây dựng, trong đó với những khu có diện tích 500ha trở lên phải lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, có văn bản chấp thuận về sự cần thiết của công trình và quy mô công trình tôn giáo của cơ quan quản lý địa phương…

Bộ trưởng khẳng định, nếu làm được những việc này thì sẽ đảm bảo được việc kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng những khu du lịch tâm linh như đại biểu đề cập. Tới đây, những quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng công trình cũng sẽ được ban hành để cùng đảm bảo việc kiểm soát việc hình thành những khu du lịch tâm linh lớn.

Trước đó, cuối buổi chất vấn ngày 4/6, đại biểu Đoàn Thị thanh Mai (Hưng Yên) nêu câu hỏi: Bộ Xây dựng có trách nhiệm thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình quan trọng, nhà 25 tầng trở lên. Vậy trách nhiệm của Bộ với việc có quá nhiều nhà cao tầng mọc lên ở Hà Nội, TPHCM gây nhiều hệ luỵ nghiêm trọng?

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cũng dẫn báo cáo chuyên đề của Quốc hội về quy hoạch, nhiều dự án được điều chỉnh tăng mật độ từ 24,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20,33 tầng lên đến 40 tầng, làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của đô thị, gây quá tải cho quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông. Quan điểm của Bộ trưởng?

Đại biểu Đức cũng đề cập hiện tượng nhà đầu tư bất động sản ở nước ngoài và người nước ngoài móc nối với một bộ phận người Việt Nam mua bán, chuyển nhượng bất động sản trái phép, tức là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bất động sản. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào? 

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) băn khoăn về nhà 8B Lê Trực, nếu phá dỡ có đảm bảo an toàn, thiết kế chịu lực cho công trình?

Phó Thủ tướng: Thanh tra các quy hoạch nghi điều chỉnh chạy theo nhà đầu tư - 5

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu, rất nhiều cử tri quan tâm, báo chí cũng có nhiều viết về những khu du lịch tâm linh. Người ta xây chùa chiền thì chỉ vài trăm hecta là đủ nhưng những khu này thì tới hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn hecta, mà việc thực hiện như thế có sự nhập nhằng giữa công và tư. Có ý kiến cho rằng, nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư nhưng nhà nước bỏ ra chục ngàn hécta đất đai rừng biển thì thực ra là có sự đầu tư lớn tài sản công ở đây mà sau đó quyền kiểm soát lại thuộc về nhà đầu tư tư nhân. Vậy, việc quy hoạch những khu du lịch tâm linh với diện tích lớn vậy có kiểm soát được không? Việc khai thác có công bằng hợp lý và đúng pháp luật hay không?

Trước đó, cũng về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho biết, việc xây dựng các khu du lịch tâm linh cả ngàn hecta chiếm dụng đất đang gây nghi vấn trong xã hội. Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc đầu tư xây dựng những khu du lịch tâm linh này trong khi quỹ đất sản xuất còn thiếu rất nhiều?

Đáp lại đại biểu khi đó, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, vấn đề này quy định bởi nhiều luật, không chỉ luật Xây dựng mà còn có luật Đất đai, luật tín ngưỡng tôn giáo, luật đầu tư… Thời gian qua, đúng là có một số dự án như đại biểu phản ánh. Do chưa có quy hoạch cụ thể về những khu tâm linh kết hợp du lịch, thương mại như vậy nên việc thực hiện tại các địa phương chưa thống nhất. Tới đây, Chính phủ cũng sẽ ban hành những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể hơn về việc sử dụng đất cho những dự án có mục đích hỗn hợp như vậy.

P.Thảo