Phó thủ tướng phê bình sự chậm trễ sau bão
“Bão vào từ 19-20h đêm qua vậy mà 8h sáng nay chưa có thông tin về thiệt hại. Hệ thống thông tin của Bộ như vậy là chưa được, làm như vậy là chưa đạt yêu cầu”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phê bình tại cuộc giao ban sau cơn bão số 5.
Sáng qua 4/10, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi giao ban tại Bộ NN&PTNT sau khi cơn bão số 5 hoành hành suốt đêm tại Hà Tinh - Quảng Bình, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, số liệu thiệt hại thống kê của các cơ quan rất khác nhau.
Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, có 3 người chết, 1 người mất tích, 2 người bị thương, số nhà bị tốc mái, hư hỏng tại các tỉnh chưa cụ thể. Còn theo số liệu của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, có 2 người mất tích, 6 người bị thương, 38 tàu chìm và 12 phương tiện (4 tàu vận tải) hư hỏng.
“Bão vào từ 19-20h đêm qua vậy mà 8h sáng nay chưa có thông tin về thiệt hại. Hệ thống thông tin của Bộ như vậy là chưa được, làm như vậy là chưa đạt yêu cầu. Địa phương chưa báo cáo thì phải truy hỏi để có thông tin. Còn lực lượng cứu hộ, loay hoay tới 3-4h sáng nay mới xuất quân ứng cứu là chậm”, Phó thủ tướng thẳng thắn sau khi nghe xong báo cáo.
Giải thích về việc chậm trễ cập nhật thông tin thiệt hại, Chánh văn phòng Đặng Quang Tính cho biết, cơ quan này liên tục gọi điện nhưng có địa phương đã cúp máy do không trả lời được.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, thiệt hại do bão không lớn, một số người tử vong do các nguyên nhân khác. Vụ Đông ở một số vùng bị mất, phải xem nơi nào cần cứu trợ thì khẩn cấp ứng cứu. “Kinh nghiệm các cơn bão trước cho thấy, lúc bão vào ít có thiệt hại nhưng sau khi bão qua mới thiệt hại nhiều. Các địa phương cần đề phòng lũ lụt sông Gianh, bảo vệ dân ở sông suối, đập tràn và Quảng Bình cần ứng cứu ngay 3 bản bị cô lập”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Bắt đầu cứu trợ nạn nhân bão số 5
18h bão đổ bộ vào đèo Ngang và hoành hành trên đất liền đến 23h đêm nhưng chỉ sau bão 1 giờ (19h ngày 3/10), Nghệ An đã báo cáo thiệt hại ban đầu 72 tỷ đồng và đề nghị Chính phủ hỗ trợ 20 tỷ đồng. Huyện Nghi Lộc có 1 người bị thương do tôn bay.
Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ, cho biết, tỉnh vừa duyệt chi ngân sách 1,9 tỷ đồng và 430 tấn gạo để kịp thời cứu trợ cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng. Tâm bão Kỳ Anh sẽ nhận được 1 tỷ đồng và 200 tấn gạo.
Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng vừa quyết định hỗ trợ mỗi tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình 300 thùng hàng (350.000 đồng mỗi thùng với đầy đủ chăn màn, nồi chảo...) và 30 triệu đồng, Nghệ An 200 thùng hàng và 20 triệu đồng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có công điện yêu cầu:
- UBND các tỉnh bị thiệt hại do bão, nhất là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình:
+ Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, huy động các lực lượng, đoàn thể giúp dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng để sớm ổn định đời sống.
+ Nắm chắc tình hình thiếu đói trong dân để thực hiện viện trợ, cứu trợ, cứu đói kịp thời.
+ Chỉ đạo việc sửa chữa, khôi phục cho công trình giao thông, thủy lợi, đường điện bị hư hỏng và có kế hoạch cung cấp giống lúa hoa màu cho nhân dân để gieo cấy theo lịch thời vụ.
- Các Bộ GTVT, NN&PTNT, Y tế, LĐ-TB&HX, và các Bộ ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm giúp đỡ các tỉnh bị thiệt hại nặng sớm khắc phục hậu quả do bão số 5 gây ra.
- Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ KH&ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH xem xét tình hình thiệt hại của các địa phương, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể cho các tỉnh, báo cáo Thủ tưởng quyết định trong tháng 10. |
Theo Tiến Dũng - Nguyễn Hưng
VnExpress