Phó Thủ tướng: Ngồi phòng máy lạnh nghiên cứu nông thôn mới thì khó thành công
(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nếu ngồi trong phòng máy lạnh để nghiên cứu nông thôn mới thì khó thành công được, phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Đơn cử như cách làm nông thôn mới ở Trung Quốc, trong hợp tác xã nông nghiệp có cả tập đoàn khách sạn 5 sao...
Vấn đề nói trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia - đề cập tại Hội nghị tổng kết chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2012 - 2017 và định hướng giai đoạn 2018 - 2020, diễn ra sáng 6/8, tại Vĩnh Phúc.
Sau 5 năm triển khai Chương trình, có 69 đề tài được lựa chọn để thực hiện, bám sát các mục tiêu và nội dung cơ bản, phù hợp với nhu cầu của xây dựng NTM; xây dựng được 147 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề, giúp hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh được hưởng lợi...
Tuy nhiên, Chương trình còn những hạn chế, chưa đi sâu nghiên cứu thấu đáo các vấn đề trọng tâm, cấp bách, những rào cản cần tháo gỡ, những động lực để thúc đẩy xây dựng NTM nhanh và bền vững. Mặc khác, quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn chậm, một số vướng mắc kéo dài, chưa được tháo gỡ, chưa động viên được tối đa năng lực của các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân tham gia.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Xây dựng NTM là chương trình nghiên cứu và ứng dụng, tổng hợp liên ngành, vì thế phải xuất phát từ đặc điểm thực tiễn và nhu cầu thực tiễn trong đời sống kinh tế xã hội. Nếu ngồi trong phòng máy lạnh để nghiên cứu thì khó mà thành công được.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay địa bàn miền núi còn rất khó khăn, trong đó có 3.570 thôn bản ở vùng đặc biệt khó khăn thuộc 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong khi đó, để hoàn thành 1 xã NTM ở địa bàn miền núi biên giới thì riêng tiêu chí về hạ tầng cho 1 xã thuận lợi nhất cũng hết khoảng 200 tỷ đồng (riêng tỉnh Điện Biên còn hơn 100 xã), vậy lấy tiền đâu ra?
Từng địa phương có những đặc điểm rất riêng, vì thế phải có sự năng động sáng tạo. NTM là một quá trình có điểm khởi đầu nhưng liên tục, không có điểm dừng, vì thế phải đạt được mục tiêu bền vững.
Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng lưu ý làm NTM cũng phải đi trước 1 bước, phải có tính dự báo. Phải có phản biện, cái gì đang làm đúng, cái gì cần điều chỉnh, cái gì cần rút kinh nghiệm. Công nghiệp hoá, phát triển nông nghiệp nông thôn là phải gắn với quá trình đô thị hoá. Bởi khi xã lên phường khác, huyện lên quận cũng sẽ khác.
“Hà Nội có huyện Từ Liêm sau 1 đêm đã lên thành 2 quận, đó là bài học. Bản thân mỗi một nông thôn mới cũng phải hướng tới vấn đề đô thị vì bây giờ phong trào xây dựng phố trong làng đang phát triển, phải kết nối với đô thị và phát triển đô thị.” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Đối với vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp nông thôn, lãnh đạo Chính phủ cho rằng ở đây không đơn thuần chỉ là nông nghiệp mà là kinh tế nông thôn, 73% thu nhập của dân cư nông thôn là xuất phát từ kinh tế nông thôn. Vì vậy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp nông thôn phải gắn với kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã.
Phó Thủ tướng khẳng định Luật hợp tác xã cho phép thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã và đây là con đường rất đúng đắn.
“Tôi sang Israel làm việc với một Tập đoàn kinh tế, tưởng thế hoành tráng lắm nhưng hóa ra đó chỉ là một thành tố của doanh nghiệp hợp tác xã. Hay như năm 2015, khi lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đi nghiên cứu hợp tác xã nông nghiệp ở Trung Quốc thì thấy cả một tập đoàn khách sạn 5 sao trong hợp tác xã. Đây là hướng kết hợp giữa người nông dân với hợp tác xã kiểu mới.” - Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Lãnh đạo Chính phủ bày tỏ sự coi trọng vai trò của địa phương và “đặt hàng” việc xây dựng các đề tài, dự án để ứng dụng trên địa bàn, tăng cường hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp tại địa phương.
Châu Như Quỳnh