Phó Thủ tướng nêu yêu cầu tinh gọn bộ máy với Bộ Tư pháp
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp khẩn trương tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và đề xuất đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2025, ngày 17/12, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá và dự thảo văn kiện tại Đại hội Đảng sắp tới cũng tiếp tục khẳng định điều này.
Đánh giá cao các kết quả mà Bộ Tư pháp đạt được, Phó Thủ tướng nhận định 2025 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. "Bối cảnh đó đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành tư pháp", Phó Thủ tướng nói.
Ông Long yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp cần nghiêm túc, khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đề xuất đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo định hướng giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong.
"Không được sắp xếp một cách cơ học và không để gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ", Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp quán triệt nghiêm túc, đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, lưu ý đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm khả thi, hiệu quả, chi phí tuân thủ thấp và đến được với người dân, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Do khối lượng công việc đồ sộ nên theo Phó Thủ tướng, Bộ Tư pháp cần xác định rõ "đầu bài", việc gì khả thi, việc gì làm trước, việc gì làm sau để bảo đảm kịp thời gian và đảm bảo chất lượng.
Báo cáo của Bộ Tư pháp tại hội nghị cho thấy, năm nay Bộ này đã cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết quy phạm. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, một nghị quyết.
Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và được người dân đón nhận tích cực. Qua 2 tháng thực hiện thí điểm đã cấp 70.000 phiếu lý lịch tư pháp điện tử và chấm dứt tình trạng người dân phải xếp hàng chờ cấp phiếu này.
Tham gia vào cuộc "cách mạng" tinh gọn bộ máy, lãnh đạo Bộ Tư pháp khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, kịp thời để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Cơ cấu, tổ chức mới của Bộ Tư pháp sẽ đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thi hành án đạt kết quả nổi bật
Thống kê cho thấy, năm nay kết quả thi hành án dân sự đạt kết quả nổi bật. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 620.700 việc, tăng 45.800 việc so với cùng kỳ năm 2023 (đạt tỷ lệ gần 84%).
Về tiền, hệ thống thi hành án đã làm xong hơn 116.530 tỷ đồng, tăng hơn 27.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,4% so với chỉ tiêu được giao.
Một số địa phương đạt kết quả thi hành án cao về số việc và số tiền như: TPHCM với 58.058 việc/34.800 tỷ đồng; Hà Nội với gần 47.000 việc/trên 25.000 tỷ đồng; Đồng Nai20.530 việc/2.100 tỷ đồng; Bình Dương với 16.600 việc/4.600 tỷ đồng; Long An 18.440 việc/2.100 tỷ đồng.