1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phó Thủ tướng: Mỗi năm thiên tai làm 400 người chết và mất tích

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.

Sáng nay (13/10), Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức lễ hưởng ứng Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN quản lý thiên tai.

Phát biểu chào mừng lễ hưởng ứng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, với chủ đề "Hợp tác để cùng nhau vượt qua thách thức", sự kiện ngày hôm nay khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc đoàn kết, hưởng ứng cùng các quốc gia, các cơ quan Liên Hợp Quốc và ASEAN, các tổ chức quốc tế để thúc đẩy nhận thức toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực, ứng phó có hiệu quả hơn nữa với thiên tai, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, đời sống của nhân dân, của xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

"Thông qua sự kiện này, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới cộng đồng quốc tế, các cơ quan, tổ chức và các đối tác phát triển đã luôn sát cánh cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, đặc biệt là những hỗ trợ quý báu, kịp thời, hiệu quả trong đợt lũ lịch sử tại miền Trung tháng 10/2020. Chúng ta cùng tri ân những hi sinh, mất mát của đồng chí, đồng bào, những người đã không quản hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân trong thiên tai" - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ.

Phó Thủ tướng: Mỗi năm thiên tai làm 400 người chết và mất tích - 1

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn coi phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân (Ảnh: Nguyễn Dương).

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.

Vì thế, công tác phòng, chống thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các địa phương, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của toàn thể nhân dân.

Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế liên quan đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, như: Tham gia Khung hành động SENDAI toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, ký kết Nghị định thư Kyoto của Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và tham gia các cam kết trong khuôn khổ Nhóm công tác ứng phó khẩn cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC). Trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực, có vai trò chủ động, đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực chung của ASEAN trong phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế về dự báo, cảnh báo, về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, về lực lượng, về ứng dụng khoa học kỹ thuật, về khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai… Trong khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đặt ra yêu cầu phải ứng phó hiệu quả với rủi ro khi thiên tai và dịch Covid-19 cùng xảy ra.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội, trong đó có các quốc gia, đối tác và bạn bè quốc tế để công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn coi phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai từ cấp Trung ương đến cơ sở; từng bước hiện đại hóa lực lượng phòng, chống thiên tai...

Việt Nam đánh giá cao và mong muốn các quốc gia, các tổ chức, bạn bè quốc tế tiếp tục đồng hành, đồng lòng, đồng sức, hỗ trợ Chính phủ, Ban Chỉ đạo và người dân Việt Nam sớm tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, hỗ trợ nguồn lực để kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai.

"Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các điều ước đã ký kết về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tổ chức quốc tế khi thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, cứu trợ, giúp đỡ Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời bảo đảm mọi sự hỗ trợ sẽ đều công khai, minh bạch, đúng địa điểm và đối tượng" - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh và cho biết tin tưởng rằng với sự nỗ lực, phối hợp hành động chặt chẽ, hiệu quả, rủi ro thiên tai sẽ được giảm nhẹ; Việt Nam và thế giới sẽ sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển nền kinh tế một cách mạnh mẽ, bền vững.

Phó Thủ tướng: Mỗi năm thiên tai làm 400 người chết và mất tích - 2

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo ông Ekkaphab Phanthavong - Phó Tổng Thư ký ASEAN, sự kiện hôm nay không chỉ để thúc đẩy hợp tác mà còn khẳng định thêm các cam kết của Việt Nam trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

"Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, nhất là trước những thách thức mà chúng ta chưa lường trước được, những tác động của kinh tế xã hội, đặc biệt từ đại dịch Covid-19". Việt Nam là một thành viên rất chủ động, tích cực, hiệu quả trong khối ASEAN.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, cùng với những diễn biến chúng ta không thể lường trước như dịch Covid-19, do đó điều hết sức quan trọng là chúng ta cần chủ động chuẩn bị để đối mặt với những phức tạp đó. ASEAN cam kết cùng với Việt Nam để ứng phó với thiên tai, đóng góp hiệu quả cho khu vực" - ông Ekkaphab Phanthavong nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm