Phó Thủ tướng: "Huy động nguồn lực ngoài Nhà nước xây nhà ở xã hội"

Hoài Thu

(Dân trí) - Đồng tình kiến nghị cần có nguồn tài chính ổn định cho phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng bên cạnh nguồn lực Nhà nước, cần huy động được nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra quan điểm này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án "Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" (Đề án).

Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện Đề án là bước khởi đầu, thí điểm, từ đó xác định tồn tại, khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện chính sách nhà ở cho mọi người dân ở thành thị và nông thôn, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ.

Người dân dù ở hoàn cảnh nào cũng được tiếp cận nhà ở

Với việc Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2023 vừa được Quốc hội thông qua, ông Trần Hồng Hà cho rằng nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết. Ông đề nghị các bộ ngành khẩn trương xây dựng, đưa những điểm mới trong pháp luật đất đai, nhà ở… vào cuộc sống.

"Công việc phải rất chi tiết, cụ thể, như xác định đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội, trình tự thủ tục đầu tư, tiếp cận vay vốn ưu đãi…", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng: Huy động nguồn lực ngoài Nhà nước xây nhà ở xã hội - 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần huy động nguồn lực ngoài Nhà nước xây nhà ở xã hội (Ảnh: Minh Khôi).

Với khó khăn về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đơn giản hóa các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội, như: Chưa có nhà ở trên địa bàn đang sinh sống, chưa được mua nhà ở xã hội, có việc làm thu nhập ổn định…

Phó Thủ tướng đồng thời đề nghị bổ sung các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội làm ký túc xá cho công nhân.

Ngoài ra, theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, các khu nhà ở xã hội phải có đầy đủ hạ tầng thiết yếu về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, an toàn cháy nổ… trong 'bức tranh chung' về quy hoạch đô thị, nông thôn.

Đồng tình với kiến nghị cần có nguồn tài chính ổn định cho phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh nguồn lực Nhà nước cần huy động được nguồn lực ngoài nhà nước tham gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT nghiên cứu phương án, giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường; cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; thành lập quỹ về nhà ở xã hội…

Mong muốn lắng nghe đề xuất giải pháp, sáng kiến để đưa các chính sách nhà ở xã hội thực sự đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng kỳ vọng hướng tới mục tiêu người dân dù ở hoàn cảnh nào cũng được tiếp cận nhà ở.

Đề xuất đơn giản hóa, rút gọn thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội

Báo cáo trước đó, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, các địa phương hoàn thành hơn 1 triệu căn, trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ, riêng năm 2024 phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng: Huy động nguồn lực ngoài Nhà nước xây nhà ở xã hội - 2

Khu nhà ở xã hội Đặng Giá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Đại diện các doanh nghiệp tại hội nghị cũng đề xuất đơn giản hóa, rút gọn thủ tục đầu tư cho dự án nhà ở xã hội; xác định tiền sử dụng đất, thuê đất và số tiền được miễn giảm; xét tuyển các đối tượng được mua nhà ở xã hội; đề xuất bắt buộc đưa vào luật các địa phương bố trí, thu hồi đất để xây dựng nhà ở xã hội...

Bên cạnh đó, đại diện địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Nai... kiến nghị đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng nhà ở xã hội.

Các địa phương cũng đề xuất thống nhất điều kiện tham gia vay ưu đãi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng; quy định cụ thể danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư tham gia; nghiên cứu, quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho thuê...