Phó Thủ tướng giao Bộ KHĐT thẩm định cầu Nhơn Trạch 2
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ KHĐT đề xuất phương án thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh chủ trương đầu tư Cầu Nhơn Trạch 2 theo quy định đầu tư công trong 2 ngày.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) có trách nhiệm nghiên cứu nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ GTVT về tờ trình kiến nghị Thủ tướng chấp thuận bổ sung 2.300 tỷ đồng xây cầu Nhơn Trạch 2 thuộc Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (Vành đai 3 TPHCM).
Nội dung mới nhất được nêu trong công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1, thuộc đường Vành đai 3 TPHCM.
Theo đó, Bộ KHĐT được giao đề xuất phương án thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định về đầu tư công, báo cáo Thủ tướng sau 2 ngày làm việc.
Cầu Nhơn Trạch 2 nằm trong kế hoạch mở rộng dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, thời gian thực hiện từ năm 2025 đến 2028. Cầu Nhơn Trạch 2 có vị trí đối xứng với với cầu Nhơn Trạch 1 đang được thi công và dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2025 (tiến độ đến nay đạt 78%).
Cầu Nhơn Trạch 1 và 2 thuộc Dự án thành phần 1A do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư là một hợp phần của đường Vành đai 3 TPHCM.
Khi hoàn thành, cầu Nhơn Trạch 2 cùng với cầu Nhơn Trạch 1 sẽ được đưa vào khai thác theo quy mô đường cao tốc 8 làn xe, trong đó bao gồm làn riêng biệt dành cho xe gắn máy di chuyển qua cầu.
Sau khi qua cầu xe gắn máy sẽ nhập, di chuyển vào làn đường song hành tách biệt với tuyến chính Vành đai 3 được khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị.
Việc đầu tư bổ sung cầu Nhơn Trạch 2 từng bước góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường Vành đai 3 TPHCM theo quy hoạch. Công trình còn giúp rút ngắn hành trình từ Đồng Nai đến TPHCM, Bình Dương, Long An, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa, tăng cường trao đổi thương mại, phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội thị của TPHCM.
Tổng mức đầu tư dự án 1A (chưa bao gồm cầu Nhơn Trạch 2) là 6.900 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Hàn Quốc gần 4.176 tỷ đồng. Số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với vốn Trung ương khoảng 529 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của Đồng Nai và TPHCM cho công tác giải phóng mặt bằng.