Phó Thủ tướng: Duy trì đóng cửa rừng để giữ rừng
(Dân trí) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn (2016-2020) tổ chức tại Bình Định sáng 29/3.
Nhiều mục tiêu đạt, vượt nhưng...
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2018, 100% nhiệm vụ đều đạt hoặc vượt kế hoạch năm, đặc biệt là chỉ tiêu về trồng rừng tập trung, giá trị xuất khẩu lâm sản.
Sau 3 năm thực hiện chương trình (2016 - 2018), có 4/16 nhiệm vụ đã về đích trước 2 năm so với nhiệm vụ đề ra, gồm: giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; năng suất rừng trồng bình quân hằng năm; tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành.
Có 5/16 nhiệm vụ đạt trên 90% so với mục tiêu đề ra, gồm: tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc; diện tích rừng suy thoái được phục hồi; trồng rừng thâm canh; khoanh nuôi tái sinh rừng và chuyển hóa rừng sang kinh doanh gỗ lớn.
Có 7/16 nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, gồm: giảm diện tích rừng bị thiệt hại; giảm số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; diện tích rừng đặc dụng tăng thêm; trồng rừng tập trung; trồng rừng sản xuất; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng cây phân tán…
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, với những kết quả đã đạt được, nhiều khả năng ngành sẽ đạt và vượt tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.
… phá rừng chưa dứt
Cũng theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2018 đạt 32.022 tỷ đồng, tăng 6,09% so với năm 2017; năng suất và chất lượng rừng tiếp tục được cải thiện; Giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 9,382 tỷ USD, tăng 15,9% so với 2017, chiếm hơn 23% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Giá trị xuất siêu của lâm sản chính đạt hơn 7 tỷ USD; công tác trồng rừng tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai; công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực... góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro, thiên tai; đưa độ che phủ của rừng tăng từ 41,19% năm 2016 lên 41,65% năm 2018...
Tuy nhiên, Bộ cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngoài những kết quả đạt được thì vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, việc vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ vẫn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn chưa quyết liệt.
Kết quả trồng rừng tập trung không đồng đều giữa các vùng, một số vùng có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nhưng kết quả phát triển rừng còn thấp, như: vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Công tác trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, quỹ đất trồng rừng ngày càng khó khăn, đòi hỏi chi phí cao, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách được các địa phương bố trí không tương xứng…
Đóng cửa rừng để… giữ rừng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp được triển khai…
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thời gian qua công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, việc trao đổi thông tin, kiểm tra, xác minh và đấu tranh ngăn chặn hoạt động phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác về sử dụng đất lâm nghiệp chưa thường xuyên.
Để bảo vệ rừng có hiệu quả, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu. trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, không khai thác gỗ rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác.
“Tuy nhiên, không cực đoan là không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhưng không bừa bãi. Rừng là để phục vụ con người, tạo môi trường sống tốt, phòng chống làm giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao thu nhập của người dân địa phương”, Phó Thủ tướng nói.
Doãn Công