Phó Thủ tướng: Đặc sản “chưa từng có” ở miền núi được xuất khẩu nước ngoài!
(Dân trí) - Nhiều loại quả chưa từng được trồng ở Sơn La nhưng nhờ phát triển các mô hình liên kết sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mà nhãn, vú sữa, na hoàng hậu, thanh long ruột đỏ, chanh leo tím, xoài... trở thành đặc sản của Sơn La, xuất khẩu ra cả nước ngoài.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) - đã cho biết như vậy khi chủ trì Hội nghị Tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) khu vực Miền núi phía Bắc và định hướng giai đoạn sau năm 2020, sáng 3/8 tại tỉnh Hòa Bình.
Những “đặc sản” từ nông thôn mới
Đến hết tháng 6/2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015, mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước là 32,79%), thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%).
Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28,0%, hoàn thành sớm hơn 1 năm so mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí (tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015), không còn xã nào trong vùng có dưới 5 tiêu chí.
Tận thấy những thay đổi tích cực ở các địa phương trong vùng, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu điển hình Sơn La đã nhanh chóng vươn lên trở thành “trung tâm sản xuất, xuất khẩu trái cây” của vùng.
“Nhiều loại quả chưa từng được trồng ở Sơn La nhưng nhờ phát triển các mô hình liên kết sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mà các trái cây nhãn, vú sữa, na hoàng hậu, thanh long ruột đỏ, chanh leo tím, xoài trở thành đặc sản của Sơn La, xuất khẩu ra cả nước ngoài, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn.” - Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ vui mừng nói.
Không tập trung xây dựng xã NTM mà đi vào thôn, bản nông thôn mới để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, nhanh chóng cải thiện đời sống người dân được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao: “Sức sáng tạo của nhân dân là vô cùng quan trọng khi triển khai chính sách và các cấp, ngành phải căn cứ thực tiễn cuộc sống, hòa mình vào với đời sống nhân dân để đánh giá cách làm hay, nhân rộng trên địa bàn mình và trên cả nước”.
Quyết nâng cao đời sống người dân nông thôn
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc lại những tư tưởng quan trọng của Nghị quyết 26/NQ-TƯ của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn cần quán triệt trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia là: Tam nông là “chiến lược”, xây dựng nông thôn mới là “căn bản”, phát triển hiện đại hóa toàn diện nông nghiệp là “then chốt” và vai trò của nông dân là “chủ thể”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: “Miền núi làm được, không có lý do gì các vùng khác lại không thể làm tốt hơn nữa, vì mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thi, miền ngược và miền xuôi”.
Đối với miền núi phía Bắc, là vùng phên dậu của Tổ quốc, là cái nôi của Cách mạng nên những kết quả đạt được từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có ý nghĩa chiến lược, quan trọng.
Sau hội nghị này, Trưởng Ban chỉ đạo giao Bộ NN&PTNT đánh giá kỹ hơn việc triển khai Bộ tiêu chí NTM hiện nay theo tinh thần nghiên cứu các tiêu chí NTM kiểu mẫu cấp thôn - bản, cấp xã, huyện, phân cấp mạnh hơn cho các tỉnh, huyện trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo tiền đề triển khai ngay khi bước vào giai đoạn mới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài cấp xã huyện, tới đây phải đặt trọng tâm vào NTM cấp thôn, bản, tính toán điều chỉnh về kinh phí về tiêu chí về kết cấu hạ tầng giao thông và tiêu chí thu nhập của các tỉnh trong vùng, làm cơ sở xây dựng chỉ tiêu cụ thể đối với vùng trong giai đoạn tới.
“Suy cho cùng, NTM có mục tiêu là sinh kế và đời sống người dân nên phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các công trình đảm bảo phát triển bền vững, tiếp cận nước sạch, nhà ở, văn hóa, giáo dục, vệ sinh môi trường... phải được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại dân cư, tập trung phát triển các đề án về sinh kế” - Phó Thủ tướng nêu quan điểm và cho rằng hiệu quả của công tác chỉ đạo, lãnh đạo xây dựng nông thôn mới cần là thước đo hiệu quả hoạt động và sự ủng hộ của người dân với chính quyền.
Về nguồn lực đầu tư cho Chương trình, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh đánh giá kỹ hơn về chính sách để lại 8% tiền đấu giá sử dụng đất cấp xã để chi trả nợ đọng xây dựng cơ bản cũng như cơ cấu nguồn vốn đóng góp cho Chương trình để tăng cường huy động nguồn lực của cộng đồng ở trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi chính sách nói chung, vừa bảo đảm phát triển sản xuất, tăng cường cơ sở hạ tầng, vừa giữa gìn được nét văn hóa đặc trưng của vùng miền.
Châu Như Quỳnh