1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ đê biển sụt lún, vỡ toác

(Dân trí) - Ngày 7/3, tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo tỉnh này xử lý sự cố sụt lún đê biển Tây.

Theo đó, liên quan đến sự cố sụt lún đê biển Tây ở Cà Mau, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Cà Mau khẩn trương triển khai phương án khắc phục, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, nhất là trong các tình huống triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới.

“Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 15/4/2020”, công văn của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ đê biển sụt lún, vỡ toác - 1
Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ đê biển sụt lún, vỡ toác - 2

Sụt lún nghiêm trọng tuyến đường đê biển Tây ở Cà Mau vào giữa tháng 2 vừa qua.

Từ chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan thực hiện theo nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

“Trong quá trình thực hiện, có phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, có ý kiến”, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Cà Mau nói về sụt lún đê biển Tây

Như Dân trí đã đưa tin, vào ngày 18/2, tại tuyến đường đê biển Tây qua địa bàn xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) xảy ra sụt lún, làm hư hỏng hơn 100m lộ bê tông, có nơi lún sâu từ 1,8m - 2m.

Đến ngày 23/2, tuyến đường đê biển Tây tiếp tục bị sụt lún giáp với đoạn sụt lún ngày 18/2. Đoạn sụt lún này cách khu du lịch Hòn Đá Bạc khoảng 100m, làm hư hỏng lộ bê tông chiều dài 90m, có nơi lún sâu từ 1,2m - 1,8m.

Nguyên nhân ban đầu được chính quyền địa phương xác định do khô hạn, mực nước trong kênh hạ xuống thấp, gây áp lực lên thân đê dẫn đến lộ bị sụt lún xuống.

Được biết, tuyến đường đê biển Tây có vai trò ngăn mặn, bảo vệ sản xuất hệ sinh thái ngọt trực tiếp của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau).

Đối với sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo ngành chức năng tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế hoặc không đi lại trên các tuyến đường bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng đã được chính quyền địa phương thông báo, cảnh báo. Trong trường hợp bất khả kháng, việc đi lại phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của các ngành chức năng.

Đề nghị người dân chủ động di dời, sơ tán khi phát hiện nhà ở, nơi ở có dấu hiệu bị sụt lún, sạt lở hoặc ở gần các khu vực xảy ra sụt lún, sạt lở nghiêm trọng; đặc biệt là đối với các hộ dân sinh sống ở các khu vực ven sông, ven đê biển nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản.

Với các vị trí, đoạn tuyến bị rạn nứt, có dấu hiệu, nguy cơ sụt lún, sạt lở, Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu chính quyền địa phương lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ, tải trọng; rào chắn lại phần đường có nguy cơ sụt lún, sạt lở để đảm bảo an toàn công trình, người và phương tiện lưu thông.

Tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không được sên vét, đào lấy đất dưới kênh dọc theo tuyến đường làm ảnh hưởng đến tính ổn định của nền đường; chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý việc nạo vét đường thủy nội địa, lấy đất ven bờ sông, kênh, rạch không đúng quy định, gây mất ổn định, mất an toàn các công trình đường giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm