1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cà Mau:

Cận cảnh đường đê biển sụt lún, vỡ toác dù sử dụng chưa lâu

(Dân trí) - Ngày 18/2, tin từ UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho biết, tuyến đường phòng hộ đê biển Tây qua địa bàn huyện này vừa bị sụt lún nghiêm trọng.

Sụt lún đường đê biển Tây Cà Mau.

Vụ sụt lún xảy ra vào khoảng 2h sáng ngày 18/2, thuộc địa bàn ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), cách Khu du lịch Hòn Đá Bạc khoảng 100m hướng về cống Kinh Mới.

Đoạn sụt lún dài khoảng 120m, khiến toàn bộ mặt lộ bê tông trên thân đê sụt xuống, có nhiều vị trí sâu từ 1,8m đến 2m. Hiện còn khoảng 300m tuyến đê này đang có nguy cơ xảy ra sụt lún cao.

Tuyến đường đê biển Tây này có vai trò ngăn mặn, bảo vệ sản xuất hệ sinh thái ngọt trực tiếp của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Cận cảnh đường đê biển sụt lún, vỡ toác dù sử dụng chưa lâu - 1
Cận cảnh đường đê biển sụt lún, vỡ toác dù sử dụng chưa lâu - 2

Đoạn đường phòng hộ đê biển Tây sụt lún dài khoảng 120m.

Sau khi sự cố xảy ra, ngành chức năng địa phương đã phối hợp cùng chủ đầu tư để khảo sát đánh giá mức độ thiệt hại, xác định nguyên nhân, có phương án khắc phục.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch huyện Trần Văn Thời Lê Phong cho biết, trước mắt, để đảm bảo an toàn giao thông, huyện đề nghị địa phương tiến hành rào chắn cảnh báo ở 2 đầu đoạn bị sụp lún để người dân biết, tránh qua lại.

Cận cảnh đường đê biển sụt lún, vỡ toác dù sử dụng chưa lâu - 3
Cận cảnh đường đê biển sụt lún, vỡ toác dù sử dụng chưa lâu - 4
Cận cảnh đường đê biển sụt lún, vỡ toác dù sử dụng chưa lâu - 5
Cận cảnh đường đê biển sụt lún, vỡ toác dù sử dụng chưa lâu - 6

Khu vực bị sụt lún, có nơi sâu hơn 1m. (Ảnh: CTV)

Cận cảnh đường đê biển sụt lún, vỡ toác dù sử dụng chưa lâu - 7

Ngành chức năng rào chắn đường vào đoạn bị sụt lún.

Được biết, tuyến đường phòng hộ đê biển Tây tỉnh Cà Mau được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2018.

Ngay trong ngày 18/2, ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã có buổi kiểm tra tại tuyến đê biển Tây bị sụt lún.

Ông Sử cho biết, theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cách đây khoảng một tuần trên vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh đã xảy ra hơn 900 vị trí bị sạt lở ven sông, kênh rạch, với chiều dài hơn 22km. Đặc biệt, có hơn 500 vị trí sạt lở liên quan đến các công trình giao thông nông thôn, nhất là những công trình quan trọng của tỉnh như tuyến đê biển Tây là công trình xây dựng xong chưa lâu.

Cận cảnh đường đê biển sụt lún, vỡ toác dù sử dụng chưa lâu - 8

Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (giữa) kiểm tra tuyến đường đê biển Tây bị sụt lún trong ngày 18/2.

Theo ông Lê Văn Sử, hiện tượng sụt lún thường xảy ra vào mùa khô và rất khó lường. Trong năm 2015 - 2016, Cà Mau đã xảy ra sạt lở, sụt lún với chiều dài 100km. Dự báo mùa khô năm nay sẽ còn kéo dài, gay gắt hơn mùa khô năm 2015 - 2016.

Phó Chủ tịch Cà Mau cho biết, tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khảo sát toàn bộ các kênh, rạch, tuyến trục giao thông,… để phát hiện kịp thời nguy cơ sụt lún nhằm đưa ra cảnh báo đến người dân. 

Tuy nhiên, trong mùa khô cũng là thời điểm nhân dân đang thu hoạch lúa, các sản phẩm nông nghiệp thì nhu cầu vận chuyển rất lớn, nên việc xảy ra sụt lún khiến người dân gặp khó khăn.

"Trong thời gian tới, tỉnh kiến nghị đến cơ quan Trung ương hỗ trợ Cà Mau nghiên cứu các hiện tượng và đề xuất biện pháp khắc phục để giảm bớt thiệt hại", ông Sử nói.

Huỳnh Hải