1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cà Mau:

Đường đê biển Tây tiếp tục sụt lún nghiêm trọng

(Dân trí) - Ngày 23/2, tin từ UBND xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, tuyến đường đê biển Tây qua địa bàn xã này tiếp tục bị sụt lún nghiêm trọng.

Theo đó, khoảng 7h ngày 23/2, thông tin từ người dân ấp Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), tuyến đường đê biển Tây tiếp tục bị sụt lún giáp với đoạn sụt lún ngày 18/2 vừa qua.

Đoạn sụt lún này cách khu du lịch Hòn Đá Bạc khoảng 100m về hướng Kinh Mới (xã Khánh Hải), làm hư hỏng lộ bê tông chiều dài 90m; trong đó một đoạn 60m lộ bị sụt lún sâu từ 1,2m - 1,8m, còn lại 30m lộ bị sụt lún sâu từ 0,5m - 0,7m.

Đường đê biển Tây tiếp tục sụt lún nghiêm trọng - 1
Đường đê biển Tây tiếp tục sụt lún nghiêm trọng - 2
Đường đê biển Tây tiếp tục sụt lún nghiêm trọng - 3

Tuyến đường đê biển Tây ở Cà Mau tiếp tục bị sụt lún vào ngày 23/2. (Ảnh: Địa phương cung cấp).

Nguyên nhân ban đầu được chính quyền địa phương xác định do khô hạn, mực nước trong kênh hạ xuống thấp, gây áp lực lên thân đê dẫn đến lộ bị sụt lún xuống.

Hiện tại, xã đã triển khai rào cảnh báo không cho người dân lưu thông; đồng thời báo cáo nhanh đến chủ đầu tư để khảo sát đánh giá mức độ thiệt hại và có biện pháp khắc phục.

Đường đê biển Tây tiếp tục sụt lún nghiêm trọng - 4
Đường đê biển Tây tiếp tục sụt lún nghiêm trọng - 5
Đường đê biển Tây tiếp tục sụt lún nghiêm trọng - 6

Đoạn lộ đê biển Tây bị sụt lún vào ngày 18/2.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, vào ngày 18/2, tại tuyến đường đê biển Tây qua địa bàn xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã xảy ra sụt lún, làm hư hỏng gần 120m lộ bê tông, có nơi lún sâu từ 1,8m - 2m.

Được biết, tuyến đường đê biển Tây này có vai trò ngăn mặn, bảo vệ sản xuất hệ sinh thái ngọt trực tiếp của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau).

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau đã giao Sở Xây dựng chủ trì, lập Tổ điều tra để giám định nguyên nhân xảy ra sự cố sụt lún công trình này.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay tình hình hạn hán, mặn xâm nhập ở khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng đang diễn biến ngày càng phức tạp. Mực nước trên hệ thống kênh, mương khô cạn rất nhanh, kênh trục và kênh cấp I chỉ còn khoảng 0,5m - 1m, kênh cấp II, III đã khô cạn.

Qua thống kê của ngành chức năng, đã có hơn 18.000 ha lúa bị thiệt hại, diện tích có nguy cơ thiệt hại tiếp tục tăng trong thời gian tới; gần 43.000 ha rừng, trong đó có diện tích Vườn quốc gia U Minh Hạ đang trong tình trạng báo động cháy (cấp IV là hơn 11.000 ha, còn cấp V là hơn 12.000 ha); có hơn 900 vị trí ven kênh, rạch và đường giao thông bị sụt lún, sạt lở với chiều dài gần 22km (trong đó có cả những công trình quy mô lớn);…

UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, những thiệt hại trên chủ yếu do vùng ngọt hóa bị thiếu nước phục vụ sản xuất, sông rạch khô cạn, chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài vùng ngọt quá lớn.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, hạn hán năm nay có thể kéo dài đến tháng 5, thậm chí đến tháng 6, thiệt hại sẽ tiếp tục xảy ra nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Huỳnh Hải