Phố đi bộ Nguyễn Huệ nhếch nhác vì... rác, hàng rong
(Dân trí) - Không phải buồn, không phải vắng, không phải không có không khí nhưng Phố đi bộ Nguyễn Huệ tối 23/12 không lung linh như những tuyến phố xung quanh bởi nhếch nhác vì rác, hàng rong…
Mất hơn một giờ di chuyển cùng dòng xe đông đúc đổ về trung tâm thành phố, mất hơn 30 phút để có thể gửi được xe trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Hơn 21h đêm, phóng viên có mặt tại đây và ghi nhận không khí rất đông các bạn trẻ, du khách đến đây chụp ảnh lưu niệm.
Phố Nguyễn Huệ đón giáng sinh với hàng vạn du khách. Họ vẫn đến với nơi này chụp ảnh, vui chơi, ăn uống, trò chuyện cùng bạn bè…
Nhưng thật khó hiểu khi không ít nhóm bạn trẻ này sau khi rời đi lại “quên” thu dọn chiến trường của mình sau cuộc trò chuyện. Rồi những người khác thấy có đống rác cũng góp thêm vào vỏ ly, chai nước… tất tần tật những thứ họ không dùng nữa.
Chẳng hiểu sao, dọc tuyến phố có rất nhiều thùng rác nhưng những vị khách không mang đến bỏ vào.
Nhiều vị khách ngao ngán bước qua những đống rác, họ lắc đầu thấy rác ở gốc cây, rác xả không tập trung đầy trên mặt đường. Đưa chiếc điện thoại lên cao chụp tấm ảnh tự sướng, một nam thanh niên chuẩn bị bấm thì cô bạn đi cùng nhắc: “Hạ máy xuống đi, đừng lấy mặt đường, rác không hà”.
Dọc theo con phố, lực lượng hàng rong dường như phủ kín, nhất là gần khu vực phun nước. Họ bán đủ thứ trên những “phương tiện” chả biết gọi là gì, gọi thùng cũng không đúng, gọi kệ cũng chẳng phải. Những “phương tiện” này đều có gắn bánh xe đẩy tới lui.
Vào phố đi bộ, hàng rong cũng phải “đi bộ”, những xe cá viên chiên, trái cây dằm… đều bị chặn ở rào chắn tại các ngã ba. Lực lượng hàng rong bên trong tuyến phố rất gọn với hàng hóa được bày trên những chiếc thùng chừng một ôm tay.
Đoán biết phóng viên chụp ảnh, một người bán bong bóng đèn chỉ thẳng: “Không được chụp!”, PV hỏi sao không được chụp, người kia đáp: “Chụp đăng báo, bọn này bị đuổi mệt lắm!”. “Bình thường không đăng báo là không bị đuổi sao”, người bán hàng rong kia đáp gọn: “Không biết, đi chỗ khác cho người ta làm ăn!”.
Nhìn xung quanh thấy những ánh mắt từ các hàng khác cũng đang tập trung vào mình, phóng viên bước đi, một người từ sau bước tới vỗ vai: “Vì chén cơm manh áo cả thôi!”.
Chén cơm manh áo của cái gọi là mưu sinh phục vụ rất tốt cho những vị khách lười đi bộ trên con phố đi bộ. Từ chỗ ngồi quây quần trò chuyện tới chiếc thùng rác chừng vài mươi bước chân. Sau cuộc vui, những bàn tay đã cầm ly nước, hộp thức ăn, bọc xốp… lại “quên” trách nhiệm giữ gìn sạch sẽ cho tuyến phố.
Khách nước ngoài len lỏi qua những dòng người đổ về mỗi lúc mỗi đông, họ bước chân qua những đống rác và chụp ảnh ở những góc “tránh” đi mặt đường đầy rác và rác.
“Tôi mới đến Việt Nam. Hôm nay, vợ tôi dẫn ra đây chụp ảnh lưu niệm và đón giáng sinh. Không khí thật đông vui, không ngờ Việt Nam giáng sinh vui như thế. Tôi cảm thấy hơi có chút không vui mặc dù rất đông người ra đón giáng sinh vì khá nhiều rác. Nếu tôi là quản lý, tôi sẽ quy định mọi đồ ăn thức uống phải cầm trên tay, không dùng nữa cho vào thùng rác. Có như vậy họ mới không bày hết ra đường thế kia”, Anthony (du khách Mỹ) đi cùng vợ chia sẻ.
Phạm Nguyễn