Phố đi bộ Hồ Con Rùa sẽ được tổ chức như thế nào?
(Dân trí) - Phố đi bộ Hồ Con Rùa sẽ hoạt động từ 19h-23h vào 2 ngày cuối tuần với 5 khu vực vui chơi, tham quan triển lãm. Lãnh đạo thành phố ủng hộ việc xây dựng thêm nơi vui chơi giải trí cho người dân TP.
Hồ Con Rùa được cải tạo thành phố đi bộ chất lượng cao
Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên với quận 3 vào tháng 11/2020, Bí thư Quận 3 Phạm Thành Kiên cho biết, ngay sau Đại hội Đảng bộ quận 3 nhiệm kỳ 2020-2025, quận đã thực hiện bước đột phá đầu tiên là xây dựng 2 đề án: xây dựng tuyến phố đi bộ trên Nguyễn Thượng Hiền và khu vực Hồ Con Rùa; đề án Quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận 3.
Cũng theo Bí thư quận 3, ý tưởng xây dựng phố đi bộ khu vực Hồ Con Rùa xuất phát từ việc chính quyền quận 3 làm việc với các phường và ý kiến của người dân, cán bộ đảng viên trên địa bàn.
Hồ Con Rùa nằm ở khu vực trung tâm TPHCM, gần nhà thờ Đức Bà là một công trình nổi tiếng của thành phố cần phải được tổ chức lại cho xứng tầm.
"Hồ Con Rùa sẽ được đầu tư, cải tạo lại thành phố đi bộ chất lượng cao chứ không chỉ là khu vực kinh doanh bình thường như các khu vực khác", ông Kiên nói.
Đến tháng 1/2021, UBND quận 3 đề xuất, xin ý kiến UBND TPHCM và các sở ngành liên quan về dự thảo phương án thiết kế phố đi bộ khu vực Hồ Con Rùa.
Theo đó, phố đi bộ Hồ Con Rùa có khu trung tâm là hồ nước; khu trình diễn trên đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Công trường Quốc tế); khu văn hóa - triển lãm ở đường Võ Văn Tần (đoạn từ Công trường Quốc tế đến Pasteur); khu ẩm thực ở đường Trần Cao Vân (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Công trường Quốc tế); khu giải trí ở đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Công trường Quốc tế đến Nguyễn Đình Chiểu).
Theo UBND quận 3, do nhu cầu đi lại ở khu vực tổ chức phố đi bộ không nhiều, thực hiện vào cuối tuần và có hệ thống giao thông bàn cờ nên người dân sẽ sử dụng các trục đường thay thế như đường Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng.
Hiện nay, Sở Xây dựng đang sửa chữa tại khu vực trung tâm Hồ Con Rùa (làm sạch lòng hồ, lối đi, bố trí các chậu hoa, chiếu sáng...). Trong khi đó, lòng đường khu vực tổ chức phố đi bộ sẽ giữ nguyên hiện trạng.
Quận 3 sẽ cải tạo toàn bộ vỉa hè phố đi bộ, lát đá granite (màu sắc) và các chi tiết để làm nổi bật không gian các khu chức năng thu hút người tham gia.
Đồng thời, quận sẽ tăng cường mảng xanh và cây xanh trên vỉa hè; sử dụng công nghệ chiếu sáng có thể chuyển đổi màu sắc để tạo điểm nhấn; bố trí hệ thống đèn chiếu sáng cây tạo hiệu ứng lung linh về đêm, đèn phục vụ nhạc nước; bổ sung ghế ngồi, bồn hoa, các quầy hàng, kệ trưng bày... bằng vật liệu thân thiện môi trường.
Theo phương án cải tạo Hồ Con Rùa, nơi đây dự kiến sẽ có 2.235m2 diện tích thảm cỏ, cây xanh thay mới; bố trí thêm 875 chỗ ngồi; 3.200m mái che chạy liên tục dọc vỉa hè tạo không gian linh hoạt theo các khung giờ khác nhau; đa dạng phương thức chiếu sáng...
Cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nhiều khía cạnh
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của UBND TP diễn ra ngày 5/3, Chủ tịch UBND quận 3 Võ Văn Đức tiếp tục đề xuất UBND TP ủng hộ chủ trương và giao sở ngành liên quan phối hợp thực hiện phố đi bộ Hồ Con Rùa và phố đi bộ Nguyễn Thượng Hiền.
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP cho biết rất ủng hộ chủ trương lập phố đi bộ Hồ Con Rùa. Theo ông, hiện nay thành phố có một số tuyến phố đi bộ và địa điểm du lịch nhưng hầu hết đều quá tải, gây khó khăn cho công tác đảm bảo an ninh trật tự. Vì vậy, thành phố cần thêm những địa điểm tổ chức hoạt động vui chơi vào dịp lễ hội, cuối tuần.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị quận 3 và các sở ngành liên quan nghiên cứu kỹ hơn về vị trí lập phố đi bộ đã hợp lý chưa. Thành phố ủng hộ những ý tưởng sáng tạo nhưng phải tính toán vấn đề đảm bảo an ninh trật tự vì nơi đây có nhiều cơ quan ngoại giao, cơ quan hành chính Nhà nước.
Lãnh đạo UBND TP lưu ý khi xây dựng phố đi bộ phải nắm bắt được tính đặc thù, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều khía cạnh của khu vực và phải có sự đồng thuận của người dân.
TPHCM hiện có 2 phố đi bộ là Nguyễn Huệ và Bùi Viện. Đường Nguyễn Huệ dài 670m bắt đầu từ công viên bến Bạch Đằng đến trụ sở UBND TPHCM, được đầu tư thành quảng trường đi bộ đầu tiên của Việt Nam từ năm 2015. Trong giai đoạn đầu, đường Nguyễn Huệ chỉ thực sự là phố đi bộ vào 2 tối thứ bảy và chủ nhật (từ 18h-23h), trong thời điểm này cấm các loại xe lưu thông.
Phố đi bộ Bùi Viện chính thức được khai trương vào tháng 8/2017. Phố này được gọi là Phố Tây vì nơi đây thu hút một lượng lớn các du khách nước ngoài. Hiện nay con phố đã kéo dài từ mũi tàu đường Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo đến đường Cống Quỳnh (dài 400m).
Mới đây, quận 10 cũng khai thác tuyến phố đi bộ đêm tại khu vực tượng đài Quang Trung.