1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phố cổ Hà Nội: Khi văn hóa không đi kèm với văn minh

Nét nhộn nhịp, ồn ã, tấp nập, xô bồ xen lẫn với vẻ cổ kính, chất chứa những trầm tích văn hóa suốt bao thế hệ - đó là tất cả những gì chúng ta có thể hình dung về cuộc sống của những người dân sống ở khu vực “Hà Nội ba sáu phố phường”.

Giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc là điều không phải bàn cãi, thế nhưng trong tiến trình phát triển của đất nước và thủ đô, truyền thống văn hóa liệu có đi kèm với cuộc sống văn minh ở phố cổ?   

 

Sự bức bối của người trong cuộc

 

Để tìm hiểu cuộc sống thực tế của những người dân sinh sống ở cụm di tích phố cổ, tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với ông Nguyễn Trọng Hào (53 Hàng Bạc), một người dân đã gắn bó hơn nửa đời mình ở con phố nổi tiếng với nghề kim hoàn. Ông Hào kể: “Trước kia, khi tôi còn bé, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác ở khu vực đình Kim Ngân này cư trú ở khu vực đê ven sông Hồng; thế nhưng, sau trận lụt năm 1960, nhà tôi cùng nhiều hộ khác quyết định di dời về phố Hàng Bạc này để sinh sống và làm ăn. Lúc đầu, dân cư còn ít, nhà cửa còn thưa thớt chứ không đông đúc, chật chội như bây giờ đâu”.

 

Chất lượng dân sinh trong những ngôi nhà đang xuống cấp thực sự là vấn đề nhức nhối và bức thiết
Chất lượng dân sinh trong những ngôi nhà đang xuống cấp thực sự là vấn đề nhức nhối và bức thiết

 

Ông Hào còn nói rằng, nhà mình nằm sâu tít trong ngõ, diện tích chỉ khoảng 20m2. Thế nhưng nhà ông có tới 8 người, gồm 3 thế hệ đang sinh sống là: hai vợ chồng ông, hai đứa con trai đã lập gia đình và bốn đứa cháu. Đấy là chưa kể con gái ông đã có gia đình riêng, cứ mỗi độ giỗ, tết là vợ chồng, con cái về sum họp với gia đình chỉ mỗi tội nhà chật, để tập họp từng đó con người cũng là cả vấn đề. Chung sống cùng trong cái ngõ nhỏ hẹp, sâu hun hút ấy là 2 nhà nữa, mỗi nhà chỉ chưa đầy 15m2 và 3-4 nhân khẩu.

 

Theo chân ông Hào vào sâu trong ngõ, tôi được mục sở thị cuộc sống của những người dân nơi đây. Nơi ở đã thiếu, những công trình khác phục vụ sinh hoạt hằng ngày cũng ở vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Nhà ông Hào còn thuộc dạng “may mắn” vì đã xây được nhà vệ sinh tự hoại riêng, chứ còn một số nhà khác, do khó khăn về kinh tế và thiếu diện tích nên đã phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng, vừa bẩn lại vừa bất tiện, nhất là vào buổi sáng và khi mà nhiều người cùng có “nhu cầu”.

 

Sướng nhà mặt tiền, khổ nhà trong ngõ

 

Nếu có thời gian dạo một vòng quanh khu phố cổ, ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách du lịch nước ngoài đổ về tham quan và mua sắm đông đúc, nhộn nhịp, là cơ hội kinh doanh “béo bở” cho những hộ gia đình có mặt tiền để buôn bán. Thế nên mới có chuyện nhiều hộ gia đình, nhất là những nhà có mặt tiền, dẫu chỉ vài m2 vẫn quyết chí bám trụ lại cái nơi “đất chật, người đông” này để mưu sinh, bất chấp những điều kiện sinh hoạt khó khăn, vất vả. Họ không thích chuyển đi một phần vì đã quá quen với cuộc sống ồn ào tấp nập giữa lòng thủ đô, nhưng còn phần lớn nữa là do nơi ở mới không có được điều kiện kinh doanh thuận lợi, thiếu các công trình hạ tầng đồng bộ đi kèm như chợ búa, trường học, bệnh viện… Đó mới là phần bề nổi của đời sống dân cư phố cổ, còn ẩn đằng sau nó là cuộc sống bươn chải khó khăn, vất vả của những hộ nằm sâu trong ngõ.

 

Bà Trần Thị Hương (5 Mã Mây), một người dân sống trong ngôi nhà nhỏ hẹp sâu trong ngách gần 30 năm cho biết: “Tôi có hai đứa con trai, thằng lớn vừa lập gia đình, vì nhà chật nhưng không có khả năng kinh tế để mua nhà mới nên con trai lấy vợ chỉ còn cách làm gác xép. Gác xép chỉ cách sàn nhà chừng hơn 1m, ban đêm cả đống người ngủ phía dưới nên khổ cho cặp vợ chồng nó cứ phải như… kẻ trộm!”. Tình cảnh của nhà bà Hương cũng là tình hình chung của nhiều nhà khác có con đến tuổi dựng vợ gả chồng ở phố cổ. Thậm chí có cô dâu mới về nhà chồng ở khu phố cổ mới tá hỏa khi phát hiện “căn phòng riêng tư” của hai vợ chồng son chỉ được ngăn cách với bên ngoài bởi chiếc rèm hay bức vách che rất hớ hênh, khiến cho họ cảm thấy thật sự bất tiện và không thoải mái.

 

Bài toán giãn dân: Bao giờ có lời giải thỏa đáng?

 

Không phải bây giờ chính quyền mới tính đến phương án giãn dân để giảm bớt sức ép về dân số và đô thị hóa, trả lại nét đẹp hài hòa giữa giá trị văn hóa và chất lượng dân sinh cho khu phố cổ. Thế nhưng, việc hiện thực hóa nó để đảm bảo lợi ích của người dân và diện mạo thủ đô “ngàn năm văn hiến” không bị thay đổi không phải là chuyện đơn giản. Theo tâm sự của một số hộ dân ở phố Hàng Trống, Hàng Bè, Hàng Bạc… thì chính quyền chưa đưa ra mức giá đền bù hợp lý mà theo họ là “phù hợp với tầm vóc và giá trị của đất ở phố cổ”. Những nơi ở mới được bố trí cho người dân di dời đến cũng chưa thật sự đáp ứng được nguyện vọng của họ bởi đó là những căn hộ chung cư xa trung tâm thành phố, thiếu thốn trầm trọng những công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh như chợ búa, trường học, bệnh viện… khiến cho họ không thật sự hào hứng.

 

Một ngõ nhỏ trên phố Hàng Bạc
Một ngõ nhỏ trên phố Hàng Bạc

 

Ông Nguyễn Đình Phong, một cư dân lâu năm của phố Hàng Buồm tâm sự: “Nhà tôi sống ở đây từ thời ông bà thân sinh đến nay, vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, cả gia đình chỉ trông vào việc mở hàng ăn buổi tối, chủ yếu phục vụ du khách tham quan phố cổ. Nếu chuyển đến nơi ở mới, lạ nước lạ cái, chính quyền không bố trí công ăn việc làm ổn thỏa thì chả ai dại gì chuyển đi cả. Dẫu nhà cũ chật hẹp cũng vẫn hơn”.

 

Khu vực phố cổ hiện nay với phạm vi 76 tuyến phố thuộc 10 phường, diện tích chỉ khoảng 100ha nhưng tập trung đến hơn 84.000 người đang sinh sống, đó là chưa kể đội ngũ lao động nhập cư hàng vạn người các tỉnh khác tá túc ở đây làm công cho các nhà hàng ăn uống, dịch vụ, giúp việc… Tồn tại và phát triển song song với Hoàng thành trong 1.000 năm qua nên khu phố cổ có rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị. Theo thống kê, khu vực này hiện có 128 di tích bao gồm: Đền, chùa, quán, đình, nhà thờ họ, di tích cách mạng... trong đó có nhiều di tích được xếp hạng quốc gia và thành phố.

 

Song còn một giá trị vô hình nữa là các giá trị sống và cùng với những di tích đã làm khu phố cổ trở thành đô thị truyền thống độc đáo ở Việt Nam. Khu vực phố cổ hiện nay là nơi buôn bán sầm uất như Kẻ Chợ xưa, nhưng lại quá đông dân và chật chội nên vẫn có nhiều công trình văn hóa bị chiếm dụng, không chỉ ảnh hưởng đến không gian văn hóa mà còn làm mất mỹ quan. Chính quyền 10 phường trong khu vực bảo tồn biết di tích và không gian bị xâm hại nhưng quản lý không xuể vì chuyện diễn ra hằng ngày. Mặt khác, nhiều cán bộ phường phàn nàn, dự án giãn dân đợt 1 đưa 1.800 hộ dân sang Khu đô thị mới Việt Hưng nếu tiếp tục chậm chạp thì không chỉ khó cho phường mà khó cả cho dân.

 

Ngày 31/3/2011, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị có buổi làm việc với Quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm về giãn dân để cải thiện cuộc sống cho hàng vạn hộ trong khu vực phố cổ, đồng thời bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa. Đây là lần thứ 3 đồng chí Bí thư Thành ủy làm việc với quận Hoàn Kiếm về vấn đề này. Bí thư Thành ủy chưa hài lòng với tiến độ thực hiện dự án giãn dân và cho rằng, giãn dân cũng là chính sách an sinh xã hội của Hà Nội. Chưa giãn dân thì đâu đó di tích vẫn có thể bị xâm phạm. Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, không thể bảo tồn hết 76 tuyến phố mà nên bảo tồn theo trọng tâm, trọng điểm. Đó là chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với thực tế.

 

Theo Đăng Đức
 Năng lượng mới