1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dân phố cổ thủ đô nóng lòng với kế hoạch giãn dân

(Dân trí) - Đề án giãn dân phố cổ được phê duyệt, nhiều người rất mừng vì sắp thoát khỏi "thảm cảnh" hàng chục người chui rúc trong căn nhà nhỏ. Nhưng chuyện ai đi, ai ở vẫn khiến nhiều người băn khoăn; nhiều người cũng lo không có tiền mua nhà mới khu giãn dân.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND. Tại đây, cử tri đưa ra nhiều vấn đề bức xúc dân sinh như “thực phẩm bẩn”, trật tự đô thị, giãn dân phố cổ… mong thành phố sớm đưa ra phương án giải quyết.

 
Không gian sinh hoạt chật hẹp của hàng chục hộ dân trong phố cổ (ảnh Hữu Nghị)
Không gian sinh hoạt chật hẹp của hàng chục hộ dân trong phố cổ (ảnh Hữu Nghị)

Kế hoạch giãn dân phố cổ được UBND thành phố Hà Nội xây dựng từ lâu. Theo đó, Hà Nội lên kế hoạch di dời hơn 6.500 hộ dân với khoảng 26.000 người. Giai đoạn 1 của dự án được thành phố phê duyệt, với mục tiêu di chuyển hơn 1.500 hộ dân sang khu độ thị Việt Hưng (Long Biên). Đối tượng di dời trong giai đoạn 1 gồm các hộ sống trong các di tích, trường học, công sở, nhà đông hộ và nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn.

Mục tiêu của đề án nhằm giảm mật độ dân cư ở khu vực phố cổ từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha (mật độ khống chế trong quy hoạch đến năm 2020), tương ứng với việc thời gian tới quận Hoàn Kiếm phải di chuyển hơn 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người. Với những nhà đã thực hiện giãn dân, phải bảo đảm chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 25m2 sàn/người (là chuẩn diện tích nhà ở bình quân vào năm 2020).

Sau khi các hộ dân di dời, các công trình thuộc sở hữu Nhà nước, diện tích nhà đất giải phóng mặt bằng xong sẽ được bàn giao cho các đơn vị hoặc chủ sở hữu chịu trách nhiệm sử dụng công trình (như di tích, công sở, trường học) để quản lý, sử dụng theo quy hoạch và pháp luật hiện hành.

Công trình thuộc sở hữu tư nhân, sau khi di chuyển phần diện tích của các hộ dân được phép chuyển nhượng cho những người sống trong cùng biển số nhà, hộ dân liền kề và người có hộ khẩu trong khu phố cổ (nhằm tránh tăng dân số trở lại).

Đối với những ngôi nhà xuống cấp đang thuê của Nhà nước, nhà cần bảo tồn thuộc quỹ nhà Nhà nước diện tích bình quân dưới 5m2/người mà không tự thỏa thuận được để giãn dân, Nhà nước sẽ thu hồi theo chính sách giải phóng mặt bằng, diện tích thu hồi sẽ sử dụng theo quy hoạch bảo tồn khu phố cổ Hà Nội…

“Chúng tôi rất mừng khi thành phố phê duyệt đề án giãn dân phố cổ. Thế nhưng chính điều đó khiến nhiều hộ nghèo, chạy ăn từng bữa… thêm lo lắng vì không biết lấy tiền đâu ra để mua nhà mới”, cử tri Nguyễn Đình Chiêu cho biết.

Để giải quyết vấn đề trên, bên cạnh những chính sách ưu đãi khi mua nhà mới, ông Chiêu cũng đề nghị thành phố xây những căn hộp “vừa sức” của người nghèo. Bên cạnh đó thành phố cũng phải có những chính sách hợp lý hơn để sớm đạt được mục đích giãn dân phố cổ đã vạch ra.

“Theo quy định diện tích tối thiểu là 45m2/căn hộ, thế nhưng chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến cử tri để đưa ra căn hộ hợp lý nhất. Những hộ dân đến khu đô thị Việt Hưng cũng được tạo điều kiện kinh doanh ổn định cuộc sống”, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiến Vũ Văn Viện trả lời ý kiến cử tri.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, những tồn tại nổi cộm như trật tự độ thị, giao thông tĩnh và cải tạo chỉnh trang độ thị trên địa bàn thành phố có chuyển biến chậm. Bên cạnh đó ông Thảo cũng cho biết, thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn và nhất là việc xây dựng những công trình dân sinh bức xúc.

Quang Phong